Nhờ đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, phù hợp với mọi loại đất và cho năng suất cao, những năm gần đây, cây bí đỏ đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ Đông ở nhiều địa phương trong tỉnh, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.
Những năm trước đây, vụ Đông chỉ trồng ngô, đậu tương, năm nào được mùa, được giá chỉ thu lãi 200-300 nghìn đồng/sào, vì vậy, nhiều hộ nông dân không mặn mà với sản xuất vụ Đông. Từ năm 2013, tỉnh triển khai cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân thuê ruộng để sản xuất vụ Đông đã khuyến khích, tạo động lực cho người dân gom ruộng để mở rộng diện tích, đưa những cấy trồng có giá trị kinh tế cao hơn vào sản xuất. Với người dân xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, cây bí đỏ đã trở thành cây hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao nhiều năm qua. So với các cây trồng khác như: Ngô, đậu tương, khoai lang thì cây bí đỏ là loại cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho thu lãi gấp 2- 3 lần.
Các sản phẩm từ cây bí đỏ bổ dưỡng nên rất thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Chính những ưu điểm, lợi ích của cây bí đỏ mang lại, những năm gần đây, ngoài diện tích hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa của tỉnh, cây bí đỏ được nông dân các địa phương chủ động mở rộng và tận dụng tối đa diện tích có thể trồng được để thâm canh cây bí đỏ, từ đó đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa bỉ đỏ tập trung tại các địa phương.
Có thể khẳng định, với cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh đã làm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất của nông dân từ nhỏ lẻ, phân tán sang liên kết sản xuất tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.
Đặng Thưởng