Cập nhật: 30/11/2021 08:37:00
Xem cỡ chữ

Các nhà khoa học trên toàn cầu đang khẩn trương nghiên cứu về biến thể mới Omicron được cho là nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải đề phòng và chuẩn bị cách ứng phó đối với siêu biến thể này.

Lần đầu tiên được xác định ở Botswana trong tháng này, biến thể Omicron đã lây lan sang nhiều quốc gia khác. Các nhà khoa học đã mô tả Omicron là biến thể tồi tệ nhất mà họ từng thấy kể từ khi đại dịch bùng phát với 32 đột biến trong protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào, gấp đôi số lượng đột biến liên quan đến biến thể Delta. Ở các khu vực của Nam Phi chịu ảnh hưởng bởi biến thể này, số ca mắc COVID-19 đã tăng lên, song điều này có thể là do tổng số người mắc COVID-19 ngày càng tăng, không phải là do Omicron.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn hay gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác, bao gồm cả biến thể Delta. Các nhà khoa học đang tìm hiểu về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng và khả năng tránh các phản ứng miễn dịch do vaccine.

Bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron có thể tăng nguy cơ tái nhiễm, tức là những người đã từng bị COVID-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron so với các biến thể cần quan tâm khác.

Trong tình huống có thể phải đối mặt với nguy cơ biến thể mới lan rộng khắp toàn cầu trong tương lai, lựa chọn tốt nhất của chúng ta là luôn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị các giải pháp đối phó để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tiêm phòng để kiểm soát sự gia tăng của biến thể Omicron

Các báo cáo cho thấy, biến thể COVID mới được phát hiện có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người chưa được tiêm chủng. Tiến sĩ Ravi Shekhar Jha, Bệnh viện Fortis Escorts, Faridabad (Ấn Độ) cho biết: “Cho đến nay, tiêm phòng dường như là chiến lược tốt nhất và nó có thể là một nhân tố thay đổi thế cục trong cuộc chiến chống lại biến thể mới”.

Theo WHO, vaccine vẫn rất quan trọng trong việc giảm thiểu bệnh nặng và tử vong, bao gồm cả việc chống lại loại virus đang chiếm ưu thế Delta. Các loại vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả chống lại bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

Tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cần thiết

Tiến sĩ Animesh Arya, Chuyên gia Tư vấn Cấp cao về Y học Hô hấp, Viện Y tế Hành động Sri Balaji, New Delhi nhấn mạnh: “Biến thể mới Omicron có một số đột biến từ các chủng COVID-19 trước đó. Mọi người cần hiểu rằng tuân thủ các biện pháp thích hợp và tiêm chủng là cách duy nhất để giữ an toàn trước biến thể này. Đừng hạ thấp cảnh giác của chúng ta và bắt đầu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa như trước bao gồm cả việc giãn cách xã hội”.

WHO khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện các quy tắc phòng ngừa để giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, bao gồm giữ khoảng cách ít nhất 1 m với người khác; đeo khẩu trang; mở cửa sổ để cải thiện thông gió; tránh không gian kém thông gió hoặc đông đúc; giữ tay sạch sẽ; che miệng hoặc dùng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi; và tiêm phòng khi đến lượt. 

Chuẩn bị để ứng phó với biến thể mới

Shabir A Madhi, Trưởng Khoa Khoa học Sức khỏe và Giáo sư Tiêm chủng tại Đại học Witwatersrand (Nam Phi), đã đưa khuyến nghị để chuẩn bị ứng phó với biến thể mới:

Thứ nhất, đảm bảo các cơ sở chăm sóc sức khỏe được chuẩn bị sẵn sàng, không chỉ trên giấy tờ mà thực sự có nguồn nhân lực, thiết bị bảo hộ cá nhân và ôxy,…

Thứ hai, tiếp tục nỗ lực tiếp cận những người chưa được tiêm chủng và phủ sóng vaccine trên diện rộng.

Thứ ba, tiêm mũi tăng cường kịp thời cho các nhóm nguy cơ cao trên 65 tuổi và những người khác có tình trạng ức chế miễn dịch. Điều này đòi hỏi các chiến lược có mục tiêu về việc ưu tiên đối tượng nào.

Thứ tư, giám sát tình trạng giường bệnh sẵn có ở cấp khu vực để tránh quá tải về cơ sở vật chất. Theo dõi tỷ lệ ca bệnh và tỷ lệ nhập viện có thể dự đoán cơ sở vật chất nào ở các khu vực có thể bị đe dọa. Điều này sẽ không thay đổi tổng số lần nhập viện nhưng sẽ dễ quản lý hơn.

Thứ năm, học cách sống chung với virus và có cái nhìn tổng thể về những tác động trực tiếp và gián tiếp của đại dịch đối với sinh kế.

Ngoài ra, WHO cũng khuyến nghị các quốc gia tăng cường giám sát, giải trình tự gen và chia sẻ trên cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, chẳng hạn như GISAID; báo cáo các trường hợp hoặc ổ bệnh ban đầu cho WHO; thực hiện điều tra thực tế và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn về Omicron. Các quốc gia cần duy trì các biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả để giảm lây lan COVID-19 nói chung và nên tăng cường năng lực y tế và sức khỏe cộng đồng để quản lý sự gia tăng các ca bệnh. Điều quan trọng là sự bất bình đẳng trong tiếp cận với vaccine phải được giải quyết khẩn cấp để các nhóm dễ bị tổn thương trên khắp thế giới được tiêm chủng, cũng như được tiếp cận điều trị và chẩn đoán một cách công bằng./.

Theo CTV Lương Trâm/VOV.VN

https://vov.vn/suc-khoe/can-chuan-bi-nhung-gi-de-doi-pho-voi-bien-the-moi-omicron-908268.vov