Thủ tướng Phạm Minh Chính trước biến chủng Omicron lây lan nhanh, độc lực chưa thể đánh giá hết, cả nước cần tập trung bàn giải pháp tăng tốc tiêm chủng.
Chiều nay (16/12), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp cụ thể nhằm giảm số ca chuyển nặng, tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng cường hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đây là cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh chủng Omicron xuất hiện mà WHO cảnh báo lây lan nhanh, độc lực chưa thể đánh giá hết, do đó kêu gọi cả thế giới tiếp tục cảnh giác, không được lơ là, chủ quan.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, đặc biệt chủng Omicron mới xuất hiện mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo lây lan nhanh, độc lực chưa thể đánh giá hết, do đó kêu gọi cả thế giới tiếp tục cảnh giác.
Tình hình trong nước hiện nay diễn biến còn phức tạp; tại một số tỉnh, số ca tử vong chưa kiểm soát được; vấn đề y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa được quán triệt, tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc, cho nên khi diễn biến phức tạp sẽ bị lúng túng. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần phải tiếp tục bàn, đánh giá trên phạm vi cả nước để đưa ra các giải pháp cụ thể, thực chất để quyết liệt, ngăn chặn các ca nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là các ca chuyển nặng, kiểm soát bằng được các ca tử vong.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần tập trung bàn giải pháp tăng tốc tiêm chủng. Thủ tướng đặt vấn đề: "Còn 14 ngày nữa, liệu các tỉnh có hoàn thành được không? Nếu không hoàn thành thì thế nào? Có cần hỗ trợ gì không? Kế hoạch đề ra đến ngày 15/12 là phải hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, nhưng hôm nay đã là ngày 16/12 mà chưa hoàn thành?". Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu bàn vấn đề thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi để cho các em trở lại học bình thường.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần thống kê chi tiêu cho phòng, chống dịch năm nay để tính toán, dự trù nguồn lực phòng, chống dịch cho năm 2022 tránh không bị động, lúng túng, bất ngờ. Cùng với đó, vẫn phải mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, các tỉnh nên đánh giá đúng tình hình một cách thẳng thắn, nêu rõ khó khăn, đề xuất thẳng thắn; phải có giải pháp phù hợp, quyết tâm để bao phủ vaccine vì số người chuyển nặng chủ yếu do chưa tiêm vaccine hoặc chống chỉ định tiêm vaccine.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch thứ 4 đến ngày 15/12/2021, cả nước đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh.
Về vaccine và thuốc điều trị COVID-19, đến ngày 14/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã tiêm được trên 135 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 88%, tỷ lệ tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên trên 127 triệu liều; từ 12 đến 18 tuổi tiêm được trên 7.6 triệu liều. Đến nay, Bộ Y tế cơ bản đã đảm bảo đủ nhu cầu đối với các thuốc phòng chống dịch, đặc biệt là với 46 thuốc quy định tại Quyết định số 2626 của Bộ Y tế.
Về năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tại nhiều Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh không có đủ diện tích làm việc, nhiều trang thiết bị quá cũ nên không đáp ứng được yêu cầu, một số tỉnh không có kho lạnh để bảo quản vaccine và thiếu một số trang thiết bị nên phải thuê dịch vụ của tư nhân; thiếu tủ an toàn sinh học, là thiết bị rất cần thiết giúp bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế trước các tác nhân lây nhiễm sinh học... Số lượng nhân lực y tế dự phòng thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, thừa cán bộ ở các bộ phận chức năng, nhưng thiếu các cán bộ chuyên môn, đặc biệt là bác sĩ.
Bộ Y tế đề xuất, những ngày tới, cần thường xuyên rà soát cập nhật các cấp độ dịch bám sát với thực tế tình hình dịch; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn COVID-19. Cùng với đó, truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân .Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định. Bộ Y tế cùng đề nghị các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng, vaccine phòng COVID-19, điều trị và thuốc điều trị COVID-19 và nâng cao năng lực y tế cơ sở./.
Theo Vũ Khuyên/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-hop-truc-tuyen-voi-63-tinh-thanh-ve-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-post912134.vov