Sau khi tái lập tỉnh cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế từ tỉnh đến cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
Những ngày đầu sau tái lập tỉnh, hệ thống cơ sở vật chất ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở của tỉnh rất khó khăn, thiếu thốn. Đến nay, sau hơn 25 năm tái lập tỉnh mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư hiện đại, tạo điều kiện để các cơ sở y tế phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh Nhân dân.
Nhiều hạng mục công trình lớn đã được tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 1000 giường bệnh giai đoạn 1; Bệnh viện Sản - Nhi với quy mô 500 giường bệnh và nhiều Trung tâm Y tế tuyến huyện. Đến hết năm 2021, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 39 giường, tăng 30,1 giường so với năm 1997; tỷ lệ bác sỹ/ vạn dân ước đạt 14 bác sỹ, tăng 5,4 lần so với năm 1997.
Nhiều chỉ tiêu về y tế - dân số đều vượt mức trung bình của cả nước. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trung bình mỗi năm các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai từ 130 -150 dịch vụ kỹ thuật mới, một số kỹ thuật vượt tuyến, chuyên sâu. Công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh được thực hiện hiệu quả ở cả 3 tuyến.
Đặc biệt đầu năm 2020 Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên trên cả nước có ca nhiễm Covid-19, tuy niên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Y tế, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng kiểm soát, dập dịch thành công ngay từ đợt dịch đầu tiên và đến nay sau nhiều đợt dịch bùng phát trên cả nước nhưng Vĩnh Phúc vẫn cơ bản cơ bản được kiểm soát tốt./.
Thu Hoài