Thành tựu của Vĩnh Phúc sau 25 năm được tái lập có dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, trong đó, công tác đối ngoại đóng góp vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Khi mới tái lập, từ một tỉnh thuần nông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, với tiềm năng, lợi thế, Vĩnh Phúc đã nhất quán quan điểm tập trung thu hút xúc tiến đầu tư, phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp là nền tảng tạo nguồn lực để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Trên cơ sở đó, công tác đối ngoại của tỉnh 25 năm qua bám sát vào quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về ngoại giao Nhân dân, ngoại giao kinh tế và mục tiêu phát triển của tỉnh, tập trung thu hút, xúc tiến, mời gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh. Với quan điểm: các nhà đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp hàng đầu như: Toyota, Honda, Piaggio, Nissin, Thép Việt Đức, Gạch Prime,... đồng thời hình thành một trung tâm công nghiệp ô tô xe máy, công nghiệp điện tử hàng đầu khu vực phía Bắc và cả nước.
Từ công tác ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh thu hút xúc tiến đầu tư, đến nay, Vĩnh Phúc đã thu hút 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,1 tỷ USD từ các doanh nghiệp của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Vĩnh Phúc luôn chủ động, sáng tạo các hình thức đối ngoại, linh hoạt chuyển đổi các hình thức trao đổi thông tin với các địa phương nước ngoài, các đối tác, tổ chức quốc tế bằng cả trực tiếp và trực tuyến nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị và thu hút xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình mới trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19. Trong 2 năm qua, khi dịch bệnh Covid tác động sâu sắc đến kinh tế xã hội và đời sống Nhân dân, ngoại giao kinh tế của Vĩnh Phúc vẫn có nhiều dấu ấn nổi bật.
Cuối năm 2020, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH TOTO Việt Nam thuộc Tập đoàn TOTO của Nhật Bản với tổng mức đầu tư 100 triệu USD tại Khu CN Thăng Long Vĩnh Phúc chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc cho Tập đoàn T&T Việt Nam và Tập đoàn YCH Singapore với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, chuẩn bị được khởi công vào cuối năm 2021.
Trong năm, Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan làm trưởng đoàn tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn về đối ngoại, mở ra cơ hội hợp tác, giao lưu Nhân dân giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, doanh nghiệp của Nhật Bản với 2 sự kiện quan trọng: ký kết ghi nhớ về hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Vĩnh Phúc với Tochigi và trao Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn SOJITZ và các đối tác đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam về đầu tư và phát triển Dự án Đầu tư cải tạo trang trại, chuyển đổi vật nuôi từ lợn sang bò thịt, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản, phân phối tại huyện Tam Đảo với tổng mức đầu tư trên 500 triệu USD. Đây là dự án có mức đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và cũng là dự án về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có giá trị đầu tư cao nhất được ký kết giữa doanh nghiệp 2 nước trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Nhật Bản, góp phần quan trọng vào thu hút đầu tư kỷ lục của Vĩnh Phúc sau 25 năm tái lập với hơn 1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2021.
Tình hình thế giới và khu vực trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục khó lường do hệ lụy của tình trạng suy thoái kinh tế, những thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, do đó công tác đối ngoại của Vĩnh Phúc được xác định cần tiếp tục chủ động, linh hoạt để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, góp phần thiết thực phục vụ nhiệm vụ thu hút, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế qua đó, thúc đẩy KT-XH phát triển và hội nhập./.
Ngọc Anh