Thủ tướng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 diễn ra vào sáng 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành tư pháp cần chủ động đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế. Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết, để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của dân, do dân, và vì dân.
Hội nghị kết nối trực tiếp đến các điểm cầu của 63 tỉnh thành phố, cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, các Ủy ban của Quốc hội...
Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo các cơ quan trong Bộ Tư pháp; lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2021, với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đam mê cống hiến và tinh thần vượt khó, ngành Tư pháp đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngành Tư pháp đã tham mưu những vấn đề vĩ mô kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp; chủ trì, phối hợp với các bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật để trình Quốc hội xem xét. Các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có 5.510 văn bản đã được ban hành.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp nhiều ý kiến sâu sắc, nhất là các đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Đảng, Nhà nước, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của toàn ngành tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đồng thời thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII về 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hoàn thiện thể chế.
Năm 2022 tới, Thủ tướng yêu cầu ngành tư pháp cần tập trung nguồn lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tiễn để nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa pháp luật có khả thi, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng viên trong hệ thống tư pháp. Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả gắn với việc cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ cho người dân, tăng cường phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng yêu cầu, đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ chính sách tương xứng, hài hòa hợp lý với các ngành khác.
Thủ tướng đề nghị cần chủ động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế.
"Chủ động đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế. Vì nhiều khi mình kiểm soát không tốt, mình giám sát không tốt thì xây dựng thể chế sẽ gặp vướng mắc, tham nhũng tiêu cực. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, chúng ta phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết, để góp phần xây dựng thể chế này, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của dân, do dân, và vì dân. Cứ đặt cái chung lên là tôi thấy dễ làm lắm, thanh thản lắm, làm xong về ngủ ngon, còn cứ lấn bấn vào lợi ích của mình, lấn bấn vào lợi ích của ngành mình, lợi ích của địa phương mình, cơ quan, đơn vị mình thì vừa làm vừa lo, vừa làm vừa sợ, vừa làm vừa cảnh giác, vừa làm vừa trấn an tư tưởng thì nó lúng túng lắm"- Thủ tướng nói
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi pháp luật, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Theo Vũ Khuyên/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/nganh-tu-phap-can-day-manh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-ngay-tu-khi-xay-dung-the-che-post913163.vov