Giáo dục đào tạo đã góp phần nâng tầm vị thế của Vĩnh Phúc - Đó là ghi nhận của xã hội đối với thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà qua 25 năm từ khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập.
Ngay từ ngày đầu tái lập, Tỉnh ủy đã đặc biệt coi trọng đến phát triển lĩnh vực giáo dục đào tạo bằng việc ban hành Đề án 01 về Phát triển giáo dục, đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2000. Trong các nhiệm kỳ tiếp theo, bằng nhiều nghị quyết, đề án, Vĩnh Phúc luôn coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá; sự phát triển và đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển của tương lai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các học sinh đoạt giải cao qua các kỳ thi. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
25 năm qua, giáo dục đào tạo Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 1997, từ con số 475 trường học, đến nay toàn tỉnh đã có 508 trường. Những năm đầu tái lập, tỉnh không có trường tư thục, đến nay đã có 15 trường. Tỉ lệ kiên cố hóa lớp học tăng từ 13-14% năm 1997 lên 92,6% bậc mầm non, 96,8% bậc tiểu học, 98,2% bậc THCS và 100% bậc THPT và GDTX. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng từ 2,95% giai đoạn 1997-2000 lên 100% giai đoạn 2015-2020. Trình độ trên chuẩn từ trên 400 giáo viên năm 2008 lên trên 1.000 giáo viên năm 2021.
Chất lượng giáo dục ổn định ở mức cao trong cả nước: Trong nhiều năm gần đây, Vĩnh Phúc có điểm bình quân thi Tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH - CĐ nằm trong tốp 5 tỉnh đứng đầu trong cả nước. Số lượng học sinh giỏi Quốc gia tăng từ 29 giải năm 1998 lên 82 giải năm 2021 và cũng là năm Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia. Đến nay, ngành giáo dục đào tạo Vĩnh Phúc đã có 33 giải khu vực và quốc tế, trong đó có 03 Huy chương Vàng, 07 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng và 08 Bằng khen.
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được tỉnh quan tâm đầu tư với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại bậc nhất trong cả nước với điều kiện thiết bị đồng bộ, đầy đủ các hạng mục công trình để phục vụ hoạt động chuyên môn, đáp ứng theo chương trình giáo dục chương trình chuyên biệt, hiện đại và hội nhập. Chất lượng dạy học ngoại ngữ từng bước được cải thiện, điểm trung bình và xếp hạng toàn quốc môn ngoại ngữ trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT liên tục tăng, đến năm 2021 lần đầu tiên điểm trung bình đạt 6,27 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh thành. Công tác phân luồng học sinh được quan tâm. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XH học tập đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tiếp nối những thành tựu đã đạt được sau 25 kể từ khi tái lập tỉnh, ngành Giáo dục đào tạo Vĩnh Phúc xác định một số mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới, góp phần cụ thể hóa nghị quyết của Đảng về lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Truyền thống hiếu học và mạch nguồn văn hiến của quê hương Vĩnh Phúc tiếp tục được lan tỏa để toàn ngành giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc không ngừng nỗ lực, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; tạo đột phá trong quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà để tiếp tục nâng tầm giáo dục Vĩnh Phúc trong những giai đoạn tiếp theo.
Ngọc Anh