Quyền lực lớn nhất trong nhà trường phải là quyền lực chuyên môn, nhà giáo, nhà khoa học cấp chuyên môn, bộ môn phải có tiếng nói chủ đạo.
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khi nói về tự chủ đại học tại cuộc làm việc với Trường Đại học Đồng Tháp về định hướng phát triển của trường ngày 25/12.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trường Đại học Đồng Tháp cần hướng tới phát triển trở thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL).
Trường Đại học Đồng Tháp trực thuộc Bộ GDĐT với sứ mạng được xác định là "Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, trong đó khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là nòng cốt, nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước". Sau 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Đồng Tháp đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cho vùng ĐBSCL, một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ theo sứ mạng đã đề ra.
Hiện tại, trường có 01 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 06 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 32 ngành đào tạo trình độ đại học và 03 ngành đào tạo trình độ cao đẳng với quy mô đào tạo hiện nay là 505 học viên sau đại học, 4.795 sinh viên hệ chính quy và 3.797 học viên hệ liên thông, vừa làm vừa học tại 20 cơ sở liên kết đào tạo. Năm 2021, tổng chỉ tiêu được phép thực hiện của Đại học Đồng Tháp là 2.203 chỉ tiêu. Trường có 526 viên chức và nhân viên; trong đó có 360 viên chức giảng dạy, 10 phó giáo sư, 85 tiến sĩ, 322 thạc sĩ và 35 nghiên cứu sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc với Trường Đại học Đồng Tháp (Ảnh: NH).
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Mục đích của cuộc làm việc là nhằm thúc đẩy sự phát triển của Trường Đại học Đồng Tháp trên cơ sở đảm bảo tính bền vững, lâu dài và ổn định. Để hướng tới mục tiêu này, theo Bộ trưởng, thời gian tới nhà trường cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, đào tạo đa ngành, trong đó có đào tạo sư phạm; đồng thời, cần bám sát định hướng phát triển khu vực ĐBSCL của Chính phủ. "Bộ GDĐT hiện đang rất quan tâm phát triển giáo dục khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh Đồng Tháp và Trường Đại học Đồng Tháp", Bộ trưởng nói.
Ghi nhận những bước đi đầu tiên trong thực hiện tự chủ đại học của Trường Đại học Đồng Tháp, Bộ trưởng cho rằng, để thúc đẩy công việc này, cần quan tâm sát sao đến công tác Đảng của nhà trường. Tổ chức đảng phát huy vai trò chủ đạo, chỉ đạo, định hướng tư tưởng, nhân sự sao cho phù hợp. Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng cần thể hiện vai trò thông qua sự quan tâm đến tổ chức đảng và cơ sở đảng của trường để dẫn dắt hoạt động sao cho phù hợp với các quy định.
Để triển khai đúng tự chủ đại học, trường cần hoàn thiện về cơ cấu, tổ chức, quản trị theo hướng giảm chỉ đạo hành chính từ trên xuống, chuyển sang quản lý, giám sát chất lượng. Quyền lực lớn nhất trong nhà trường phải là quyền lực chuyên môn, nhà giáo, nhà khoa học cấp chuyên môn, bộ môn phải có tiếng nói chủ đạo. "Đây là bản chất sâu xa của tự chủ đại học và là tự chủ theo chiều sâu. Quy chế hoạt động của trường phải thể hiện được điều này", Bộ trường nhấn mạnh.
Bên cạnh thế mạnh đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Bộ trưởng lưu ý, Trường Đại học Đồng Tháp cần tăng cường và đóng góp tích cực cho nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông mà ngành đang triển khai thực hiện, trong đó tập trung phát triển khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Trường cũng cần tích cực xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để tham gia giải quyết các vấn đề lớn của ngành và của lĩnh vực giáo dục, đào tạo khu vực ĐBSCL. Các hoạt động nghiên cứu phải gắn với hoạt động đổi mới sáng tạo trên cơ sở thực tiễn để thay đổi công nghệ, kích thích sự phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, đó chính là một phần trách nhiệm của trường với tỉnh và với cả vùng.
Lưu ý Trường Đại học Đồng Tháp về định hướng phát triển đội ngũ và mở rộng các ngành nghề, chương trình đào tạo mới, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, cần tăng cường liên kết quốc tế trong nghiên cứu để phát triển đội ngũ, nâng cao năng lực, đạt được chuẩn quốc tế. Đối với việc mở ngành nghề, chương trình đào tạo cần ưu tiên các lĩnh vực về kỹ thuật và công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025 cho thầy Hồ Văn Thống (Ảnh: NH).
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã dự Lễ công bố và trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025 cho thầy Hồ Văn Thống. Phát biểu tại đây, Bộ trưởng nhấn mạnh tới một số nội dung Trường Đại học Đồng Tháp cần triển khai trong thời gian tới.
Cụ thể, chiến lược phát triển nhà trường phải hướng tới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các yêu cầu về đổi mới giáo dục đại học, tự chủ đại học, hội nhập quốc tế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp mới.
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng phục vụ cải tiến quy trình sản xuất, nuôi trồng và chế biến,… của các doanh nghiệp, người nông dân ở vùng ĐBSCL. Nghiên cứu những giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ĐBSCL. Chú ý đến khâu chuyển giao công nghệ để tăng cường các nguồn lực tài chính cho phát triển nhà trường, đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu vực nói riêng và của đất nước nói chung.
Tập trung thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của trường. Tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước để từng bước khẳng định thương hiệu, hội nhập khu vực và trên thế giới.
Theo Nhật Hồng/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bo-truong-quyen-luc-lon-nhat-trong-truong-phai-la-quyen-luc-chuyen-mon-20211226075523048.htm