Cập nhật: 26/12/2021 09:17:00
Xem cỡ chữ

Từ nhiều năm nay, các nghề truyền thống đã mang lại những giá trị to lớn và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh. Các sản phẩm của nghề, làng nghề truyền thống luôn lưu giữ những giá trị văn hoá riêng, độc đáo của người dân Vĩnh Phúc và góp phần quan trọng giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, nhiều làng nghề đang dần bị mai một, mất dần chỗ đứng trên thị trường và có nguy cơ thất truyền. Trước những nguy cơ này, Chi cục Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cùng các địa phương đang từng bước tháo gỡ những khó khăn, nhằm bảo tồn và thúc đấy các nghề truyền thống phát triển.

Vĩnh Phúc hiện có 28 làng nghề và 08 nghề truyền thống được công nhận. Hiện nay, các nghề, làng nghề truyền thống đều đã và đang duỳ trì phát triển tốt. Một số nghề, làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá gắn với lịch sử lâu đời tại địa phương.

Nghề mộc là nghề truyền thống có lịch sử hình thành cách đây hàng trăm năm và được các thế hệ truyền nối, phát triển tạo thành những thương hiệu nổi tiếng như mộc Thanh Lãng; mộc Yên Phương; mộc An Tường; mộc Lý Nhân.... Các làng nghề mộc truyền thống này phát triển và đã tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong tỉnh. Để gìn giữ và phát triển nghề mộc, nhiều hộ làm nghề đã đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tại một số địa phương, mặc dù nghề truyền thống không phải là thu nhập chính, nhưng lại tạo việc làm lúc nông nhàn, tận dụng lao động các lứa tuổi để cải thiện thu nhập cho người dân. Các nghề này đã đóng góp không nhỏ trong việc ổn định kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, nhiều năm nay, công tác bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Mặc dù nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đa dạng và có nhiều giá trị văn hóa nhưng hiện tỉnh chưa dành nhiều kinh phí cho công tác bảo tồn, dạy nghề; chưa có nơi lưu giữ, quảng bá sản phẩm các làng nghề, cũng như chưa có các dự án cải tiến kỹ thuật cho người làm nghề. Do vậy, một số nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một như nghề gốm Hương Canh, nghề đá Hải Lựu... Những khó khăn trên đang đặt ra cho các cấp, các ngành và các địa phương cần kịp thời xây dựng những chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển làng nghề.

Để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, bên cạnh sự hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan và chính quyền địa phương thì cũng rất cần sự nỗ lực từ phía các làng nghề, các nghệ nhân trong việc thay đổi tư duy, nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó giữ gìn và phát triển thương hiệu các sản phẩm của làng nghề, giúp các làng nghề phát triển bền vững.

Hà Giang