Những năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Trần Thị Hằng, thôn Cuối là hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường. Bản thân chị Hằng là mẹ đơn thân, 3 mẹ con sống trong 2 gian nhà cấp 4 chật hẹp. Đầu năm 2021, chị được Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Tường hỗ trợ 120 triệu đồng từ quỹ “Vì người nghèo” cùng sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, chị đã xây được ngôi nhà khang trang.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, gắn thực hiện chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh cũng đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các cơ chế chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... tạo tiền đề cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Xác định "mấu chốt" của công tác giảm nghèo phải bảo đảm cho người dân có việc làm, có thu nhập và đủ khả năng tự chủ cuộc sống, vì vậy, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Mỗi năm, ngân sách tỉnh đã bố trí 300-500 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo; hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Nhờ huy động tốt các nguồn lực, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh qua 25 năm tái lập tỉnh đã giảm nhanh, đời sống của Nhân dân từng bước được nâng cao. Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm chỉ còn 0,44%. Từ năm 2015, toàn tỉnh không còn xã nghèo, không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công; 100% địa phương không có hộ dân nào phải ở trong nhà tạm hoặc dột nát./.
Thu Hoài