Năm 2021, giáo dục đại học trong nước "khép lại" với nhiều sự kiện đáng chú ý, như: Quy chế đào tạo tiến sĩ mới, chuyện bi hài khi học online và nỗi buồn tân sinh viên khi chưa biết giảng đường…
Đại học Việt Nam vào top hàng đầu Châu Á
Năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam có 2 cơ sở giáo dục lọt vào top 500 thế giới theo bảng xếp hạng đại học thế giới THE 2022 là Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân. 3 cơ sở đại học khác cũng được THE xếp hạng gồm ĐH Quốc gia Hà Nội: vị trí 1.001-1.200; trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: vị trí 1.201+ và ĐH Quốc gia TPHCM vị trí 1.201+.
11 cơ sở giáo dục Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á, theo Quacquarelli Symonds (QS AUR) (ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra, 11 cơ sở giáo dục Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á, theo Quacquarelli Symonds (QS AUR). Đó là các cơ sở: Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở vị trí 142, ĐH Quốc gia Hà Nội đứng vị trí 147, ĐH Quốc gia TP.HCM ở vị trí 179, Trường ĐH Duy Tân ở vị trí 210, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhóm 281-290;
ĐH Huế trong nhóm 401-450, trường ĐH Cần Thơ và ĐH Đà Nẵng ở trong nhóm 501-550; trường ĐH Sư phạm Hà Nội và trường ĐH Kinh tế TPHCM ở trong nhóm 551-600; Trường ĐH Công nghiệp TPHCM ở trong nhóm 601-650.
Đáng chú ý, ĐH Quốc gia Hà Nội ở vị trí 147 - cùng thứ hạng đã đạt được ở QS AUR 2020 nhưng đã vươn lên top 21,4% các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Châu Á.
Cũng trong năm 2021, 5 cơ sở đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu do Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report công bố. Đó là các cơ sở: trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân (mới tham gia), ĐH Quốc Gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Quy chế đào tạo tiến sĩ mới gây tranh cãi
Tháng 6, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 18 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới được cho có nhiều điều chỉnh khoa học, khách quan và công bằng, tăng cường liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật...
Quy chế đào tạo tiến sĩ mới bị cho là "hạ chuẩn"
Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều ý kiến tranh cãi của chuyên gia cho rằng hạ chuẩn so với quy chế cũ khi nới lỏng yêu cầu kết quả công bố trong luận án trước khi bảo vệ.
Theo quy chế mới, nghiên cứu sinh chỉ cần công bố công trình trên những tạp chí trong nước và được tính điểm là có thể bảo vệ luận án tiến sĩ trong khi trước đó bắt buộc phải có công bố trên các tạp chí/hội thảo nước ngoài, trong đó có tạp chí ISI/Scopus. Người hướng dẫn cũng không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có 2 công bố trong nước 'loại trung bình' trong 5 năm cuối.
Bên cạnh đó, yêu cầu về ngoại ngữ cũng quy chế mới lại chỉ yêu cầu TOEFL iBT 46 điểm, tương đương bậc 3/6 - B1 như với thạc sỹ. Quy định những nghiên cứu sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ khác tiếng Anh vẫn phải giao tiếp được chuyên môn (nghe, đọc, hiểu, trình bày được chuyên môn) bằng tiếng Anh cũng bị bỏ đi hoàn toàn.
Nhiều giảng viên, sinh viên tham gia chống dịch
Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại TPHCM và Bình Dương, hơn 2.200 giảng viên, sinh viên 8 trường đại học y dược phía Bắc đã xung phong lên đường vào Nam tham gia chống dịch. Không nề hà, ngại khó, ngại khổ, không đòi hỏi điều kiện ăn ở nhưng các thầy trò đã dốc hết sức làm hết trách cùng y tế địa phương truy vết, kiên trì quá trình chống dịch.
Sinh viên y dược tình nguyện vào miền Nam tham gia chống dịch
Ngoài ra, hàng trăm bạn trẻ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TPHCM đã xung phong tham gia đội tình nguyện viên, tích cực hỗ trợ thành phố công tác hướng dẫn người dân khai báo y tế, làm việc tại các chốt kiểm soát chống dịch...
Sau những tháng chống dịch, nhiều câu chuyện xúc động, tình cảm đẹp cũng đơm hoa giữa các sinh viên tình nguyện viên.
Nhiều sự cố của thầy trò khi học online
Các trường ĐH dạy và học online kéo dài nên cũng xảy ra lắm chuyện bi hài trên giảng đường "ảo". Hồi tháng 6, trên mạng lan truyền một clip ghi màn hình laptop thể hiện một buổi học trực tuyến, trong đó có 1 khung video xuất hiện cảnh nam sinh viên khỏa thân và đang có hành vi như đang quan hệ với bạn gái. Phía trường ĐH Công nghệ TPHCM (Hutech) xác nhận vụ việc trên xảy ra trong một buổi học trực tuyến của trường và nam sinh viên đã có email xin lỗi nhà trường, thầy cô và bạn bè vì mình bất cẩn quên tắt camera khi học.
Lớp học online xảy ra vụ việc thầy giáo đuổi sinh viên ra khỏi lớp (ảnh cắt từ clip)
Đến tháng 9, một giảng viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM không kiềm chế đã đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online và có phát ngôn gây bức xúc với người học. Sau khi clip bị tung lên mạng thì nhà trường vào cuộc, người thầy cũng lên tiếng xin lỗi.
Tiếp đó, clip một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM mắng sinh viên là "óc trâu" trong giờ học online gây xôn xao mạng xã hội. Sau sự việc trường này đã gửi thư mong giảng viên giữ cách ứng xử đúng mực của người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quá nặng nề.
Nỗi buồn của tân sinh viên khi chưa biết mặt giảng đường đại học
Do dịch Covid-19 bùng phát nên các trường ĐH đều chuyển qua dạy học và thi kết thúc học phần cũng trực tuyến. Ở TP.HCM, hàng loạt KTX các trường ĐH được trưng dụng thành bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung.
Năm trước ảnh hưởng dịch nên sinh viên cũng quen dần với học trực tuyến, các trường ĐH đầu tư mạnh mẽ về công nghệ số để đáp ứng việc học online. Tuy nhiên cho đến thời điểm này phần lớn các tân sinh viên đã trải qua học kỳ đầu tiên bằng hình thức online mà chưa được đặt chân đến giảng đường đại học cũng như trải qua lễ khai giảng đầu tiên của sinh viên.
Giảng viên bị tố gạ tình, quấy rối sinh viên
Ngày 27/10, dư luận "dậy sóng" với đoạn tin nhắn tố cáo một giảng viên đại học ở Hà Nội gạ gẫm nữ sinh vào khách sạn để đổi điểm. Sau đó, đại diện lãnh đạo trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường đã có văn bản gửi cơ quan công an thành phố Hà Nội đề nghị xác minh, làm rõ sự việc. Tiếp đó trường này cũng tạm dừng công tác của một giảng viên để phục vụ công tác điều tra.
Bài viết tố cáo một Tiến sĩ Đại học Ngoại thương quấy rối và lừa tiền nữ sinh đang gây xôn xao trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)
Ngày 13/12, một nam giảng viên của trường ĐH Ngoại thương cũng bị tố cáo cố tình "đụng chạm nhạy cảm" và hứa hẹn "chạy làm giảng viên" cho một nữ sinh gây xôn xao mạng xã hội.
Cụ thể, trên mạng xã hội xuất hiện tài khoản đăng tải thông tin phản ánh một giảng viên ĐH Ngoại thương Hà Nội hứa "chạy việc". Người đăng tải thông tin tự xưng là cựu sinh viên Đại học Ngoại thương và "xin được giấu tên".
Người này cho biết cô "vô cùng bế tắc và tuyệt vọng cả một thời gian dài nhưng vì bị đe dọa quá mức nên hôm nay có thế nào đi nữa cũng quyết nói hết về bộ mặt thật của một thầy giáo...". Cùng với lời tố cáo nặc danh, người này có nêu tên đối tượng liên quan là một tiến sĩ được cho là ở Khoa Đào tạo Quốc tế của Đại học Ngoại thương.
Trao đổi với phóng viên, đại diện truyền thông của nhà trường cho biết, đơn vị này đang nỗ lực liên hệ nhưng vẫn chưa tiếp cận được với người đăng bài (vì người đăng bài dùng tài khoản Facebook không phải tên thật) để tìm hiểu, xác minh các vấn đề liên quan và hướng dẫn các thủ tục theo quy định về khiếu nại, tố cáo. Nhà trường cũng cho biết không nhận được bất cứ đơn thư, tố cáo nào theo hình thức trực tiếp.
Theo Lê Phương/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nhung-su-kien-dang-nho-cua-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-nam-2021-20220101074837176.htm