Việc học sinh nghỉ học dài ngày ở nhà đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sức khỏe của trẻ nói chung, sức khỏe tinh thần nói riêng.
Đại dịch COVID-19 gây ra sự cô lập xã hội, mất việc làm, bất ổn kinh tế. Đồng thời, tạo ra nỗi sợ hãi cao độ về nguy cơ bị lây nhiễm virus, làm gia tăng những hành vi bạo lực trong các gia đình mà con trẻ là nạn nhân hoặc người chứng kiến dẫn đến những tổn thương sức khỏe thể chất và tinh thần. Trẻ dễ mắc những rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi.
1. Vì sao nghỉ học dài ngày lại tác động xấu tới sức khỏe tâm thần trẻ em?
Đại dịch COVID-19 xuất hiện và làm ảnh hưởng mọi mặt đến cuộc sống của chúng ta trong hơn hai năm qua. Để đảm bảo an toàn về sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại nhiều tỉnh thành học sinh phải tạm ngừng đến trường học trực tiếp và chuyển sang học trực tuyến.
Hoạt động vui chơi tương tác là hoạt động chủ đạo trong sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên việc ở nhà dài ngày khiến trẻ hạn chế tương tác, hầu như trẻ chỉ chơi một mình và chơi với đồ vật, trẻ không được giao tiếp xã hội, gặp gỡ thầy cô, bạn bè, ít vận động. Điều này dẫn đến giảm sút nhận thức môi trường xung quanh và các kỹ năng ngôn ngữ, tự phục vụ và thích ứng xã hội hóa ở trẻ.
Việc học online dài ngày dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe cho trẻ.
Dịch bệnh khiến trẻ bị hạn chế trong phạm vi hẹp, ít chạy nhảy, năng lượng không được giải phóng sinh ra cáu kỉnh, nóng giận.
2. Những hệ lụy về sức khỏe tâm thần
-
Tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch là phổ biến, những hậu quả cụ thể về mặt cảm xúc, trong đó độ tuổi từ 15 đến 18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác.
-
Trẻ có hành vi tự hại bản thân, nhiều trẻ có xu hướng nghịch ngợm, hung hăng.
-
Trẻ căng thẳng thường có dấu hiệu như dễ khóc, dễ thay đổi tâm trạng, hay lo lắng, buồn bã, mệt mỏi, không muốn tham gia các hoạt động trước đó từng yêu thích, nhiều trẻ sợ hãi đến mất kiểm soát, chán ăn, thường xuyên gặp ác mộng, khó tập trung, chán nản, thờ ơ với mọi việc.
-
Trẻ lo lắng phần lớn thời gian trong ngày, cảm thấy không ai hiểu mình, không thể ngủ hoặc ngủ chập chờn, tỉnh dậy giữa đêm và không thể đi ngủ lại được.
-
Đặc biệt, trẻ có biểu hiện không muốn nói chuyện, không muốn chia sẻ với thành viên gia đình; cư xử không đúng mực với các thành viên khi ở nhà; than phiền đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi mà không có nguyên nhân cụ thể, luôn thấy bức bối và dễ cáu, từ chối không liên lạc với bạn bè…
-
Ngoài ra, việc ở quá lâu trong nhà và bị giới hạn khỏi những hoạt động thường ngày khiến trẻ buộc phải tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị công nghệ như điện thoại, tivi, máy tính... Trẻ từ 3 đến 6 tuổi tiếp cận thiết bị điện tử nhiều dễ dẫn đến các hành vi thái quá. Trẻ 6 đến 12 tuổi sử dụng thiết bị điện tử nhiều cũng dễ có cảm xúc tiêu cực.
Theo thống kê của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021, số cuộc gọi đến Tổng đài đã vượt mốc 500.000 cuộc, tăng 20.000 cuộc gọi/tháng. Trong số những cuộc gọi tư vấn liên quan đến các vấn đề của trẻ em, một nội dung đáng chú ý, đó là việc học trực tuyến kèm theo thời gian tham gia internet kéo dài có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm thần và cả thể chất của trẻ em. Tỉ lệ các em bị quấy rối, bắt nạt, tiếp xúc với các nội dung xấu độc trên mạng bao gồm cả bạo lực gia tăng.
Trẻ hay cáu giận một biểu hiện của rối loạn cảm xúc ở trẻ do thiếu giao tiếp xã hội.
3. Cha mẹ cần làm gì?
Đại dịch ảnh hưởng đến tâm lý của tất cả mọi người. Không chỉ là con trẻ mà bản thân người lớn chính cha mẹ cũng chịu tác động tâm lý. Nỗi lo lắng và cảm giác bất lực ngày càng lớn cùng với áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực công việc thời giãn cách, áp lực chăm sóc con cái, mất kết nối thực người với người, mất cảm giác về thời gian trôi đi, lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng…
Chính vì vậy, để trợ giúp và đồng hành cùng con, bản thân cha mẹ phải khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Cha mẹ nên có kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung, để chăm sóc cho bản thân và con cái. Cha mẹ cần hiểu rằng thái độ và cảm xúc của chính họ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái.
Tập cùng con - một cách giúp trẻ hạn chế những hệ lụy của việc bị giãn cách xã hội.
Cha mẹ cần để tâm nhận biết những thay đổi nhỏ ở con trẻ khi chúng thể hiện sự lo lắng và đau khổ về tinh thần. Phân tích hướng dẫn con cách tiếp nhận, xử lý thông tin về dịch bệnh.
Hãy khuyến khích trẻ chú ý đến những sự kiện tích cực dù là nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, chẳng hạn như một bữa ăn ngon hoặc mặc quần áo yêu thích….
Phụ huynh cần nhận ra những biểu hiện sớm của trẻ khi bị tổn thương tâm lý, tinh thần. Từ đó, giúp con cân bằng thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức.
Cần duy trì một lịch tập luyện thể thao đều đặn, ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, vệ sinh giấc ngủ... Hãy để trẻ làm những thứ mà trẻ cảm thấy thích thú, tận hưởng, thực hành một thói quen thư giãn phù hợp, tự khích lệ bản thân, rèn luyện sự biết ơn hoặc hành động để trao đi yêu thương.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/he-luy-suc-khoe-tam-than-tre-em-do-nghi-hoc-dai-ngay-va-cach-cai-thien-169220107170522586.htm