Nhập khẩu tiêu, điều, gạo… từ Campuchia vào VN tăng đột biến, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước này.
Báo cáo của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia năm 2021 cho thấy xuất khẩu nông nghiệp vụ mùa năm 2021 của quốc gia này đạt gần 5 tỉ USD. Trong đó, VN là quốc gia dẫn đầu 70 thị trường về nhập khẩu nông sản của nước này với trên 3,5 tỉ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu nông sản từ Campuchia vào VN tăng gấp 3 lần trong năm qua. NGUYÊN NGA
Nhập tiêu, điều, gạo, đậu xanh… tăng vọt
Đáng lưu ý, những mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh của VN như tiêu, điều, gạo… nhập khẩu từ Campuchia cũng tăng vọt. Năm 2021, VN nhập khẩu gần 1 triệu tấn hạt điều thô, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hạt điều từ Campuchia đã tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây và trong năm 2021, có nhiều tháng kim ngạch nhập điều từ quốc gia láng giềng này tăng gấp 7 lần so cùng kỳ.
Tương tự, VN là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới, nhưng trong năm qua, lượng tiêu VN nhập từ Campuchia cũng tăng mạnh gấp hơn 3 lần và dẫn đầu thị trường tiêu thụ tiêu của Campuchia. Hiệp hội Tiêu VN cho biết sản lượng hồ tiêu ở các tỉnh biên giới Campuchia giáp VN ước đạt 30.000 tấn/năm, chủ yếu bán sang VN theo đường tiểu ngạch và 2 năm qua đã chuyển dần sang chính ngạch. Các doanh nghiệp nhập hồ tiêu chủ yếu để chế biến xuất khẩu. Năm qua, Campuchia cũng đã xuất khẩu 3,52 triệu tấn lúa sang VN, tăng hơn 61% so với năm 2020; xuất khẩu sắn với 622.000 tấn, chiếm 70% tổng sản lượng sắn xuất khẩu của Campuchia.
Ngoài ra, từ tháng 1 - 11.2021, Campuchia còn cung cấp 134.000 tấn hạt bắp, 26.000 tấn đậu xanh, 66.200 tấn đậu tương… cho thị trường VN. VN cũng mua nhiều loại trái cây như: bưởi, sa pô chê, chuối, xoài… từ Campuchia với số lượng hàng ngàn tấn.
Đáng nói là trước đây Campuchia là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của VN. Năm 2021 là năm đầu tiên xuất hiện sự đảo chiều, VN chuyển từ xuất sang nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản từ thị trường này. Theo báo cáo của Thương vụ Campuchia tại VN, hầu hết các loại nông sản của quốc gia này xuất khẩu sang nước ta đều tăng từ 20 - 400% so với cùng kỳ 2020. Điều đáng lưu ý là ngành trồng trọt ở Campuchia được Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đánh giá cao tại khu vực Đông Nam Á, năng suất cao và chất lượng ngày càng cải tiến, sản phẩm được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Xu hướng tích cực
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng việc nhập khẩu nguyên liệu thô như điều, tiêu… từ Campuchia về để chế biến, xuất khẩu là điều hết sức bình thường. VN từng mua nguyên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ để chế biến xuất khẩu, thì với thị trường Campuchia cũng vậy thôi. Sự gia tăng đột biến này có thể đến từ lý do dịch, vận tải container đường biển bị ảnh hưởng, nhà sản xuất chuyển hướng tìm các thị trường nào tiện lợi nhất, giảm được chi phí tốt nhất.
Trước đó, riêng mặt hàng hạt điều, Tổng cục Hải quan trong năm qua đã có kết luận 18 vụ việc có dấu hiệu vi phạm nhập khẩu điều từ Campuchia. Trong đó, có 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều thuần túy VN. Hồ sơ giấy tờ cho cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) không đúng với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. 1 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, có thể khởi tố... Theo quy định, hạt điều nhập khẩu theo loại hình kinh doanh từ các nước trong ASEAN hưởng thuế nhập khẩu 0%, nhập từ các nước ngoài thị trường ASEAN có thuế nhập khẩu 5%. Theo đó, doanh nghiệp nhập hạt điều thô từ Campuchia vào VN được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Và đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý đặt nghi vấn doanh nghiệp “mượn” Campuchia để trốn thuế nhập khẩu mặt hàng này.
“Sản lượng điều, tiêu trồng trong nước vẫn chưa đủ để chế biến xuất khẩu. VN mới chủ động được 20 - 30% nguyên liệu điều, đa số phải nhập khẩu từ Nigeria (châu Phi), Ấn Độ, Campuchia. Sản lượng nhập từ Campuchia về nhiều trong năm qua có một trong các lý do là khó khăn vận tải biển. Còn lại, vài ba trăm ngàn tấn hạt bắp, vài chục ngàn tấn đậu hay hơn 3 triệu tấn lúa cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ lúa gạo, đậu trong nước. Nó chỉ góp phần phong phú hàng hóa trong thế giới hội nhập mà thôi”, GS Võ Tòng Xuân phân tích và bổ sung là các loại nông sản như gạo, đậu, mía, sắn… được nhập khẩu từ Campuchia có giá và chất lượng tốt.
Chẳng hạn, gạo Campuchia khá ngon, sản lượng thấp và chỉ trồng một năm 1 vụ. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, cùng loại gạo ngon tương đương, giá bán thị trường chỉ 25.000 đồng/kg với gạo Campuchia, nhưng có đại lý trộn hoặc tráo xuất xứ, gắn mác gạo ngon Việt để bán giá 35.000 - 40.000 đồng/kg.
“Hành vi này gây ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam và cần lên án, loại bỏ”, ông nói và bổ sung ngành nông nghiệp tại Campuchia không có chuyện lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật như một số thị trường khác. Có nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại VN và Trung Quốc sang Campuchia lập văn phòng đại diện, tổ chức hội thảo, tặng không thuốc cho nhà nông bên ấy, nhưng... họ từ chối.
Ngoài ra, có một lý do, theo một giám đốc công ty xuất khẩu gạo ở Sóc Trăng, trong mấy năm qua, rất nhiều nhà nông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sang Campuchia thuê đất nông nghiệp để trồng các loại khoai, sắn, lúa mì, bắp, mía hoặc thậm chí nuôi bò. Thu hoạch xong, họ mang về bán trong nước nên có sự gia tăng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản khô. Vị này cũng khẳng định việc tăng mua nguyên liệu từ Campuchia về là điều bình thường vì giá cả tốt. Quan trọng hơn là giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn như Trung Quốc như lâu nay.
“Đây là xu thế theo chiều hướng tích cực, nông sản thô Việt Nam nhập nhiều nhất từ Trung Quốc, nay san bớt sang thị trường Campuchia, cũng là cách chia rủi ro và tăng sự đa dạng nguyên liệu đầu vào”, vị này chia sẻ.
Theo Nguyên Nga/thanhnien.vn
https://thanhnien.vn/tang-nhap-nong-san-tu-campuchia-giam-phu-thuoc-trung-quoc-post1420584.html