Trước thông báo xét tuyển đầu vào theo nhiều phương thức của các trường đại học, các học sinh cũng đã và đang lên kế hoạch tham gia nhiều kỳ thi khác nhau để có thể xếp hồ sơ theo nhiều "cửa."
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trước thông báo xét tuyển với đa dạng các phương thức khác nhau của nhiều trường đại học trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022, các học sinh đang nỗ lực để có thể tăng cơ hội đỗ.
“Xếp lốt” nhiều “cửa”
Dự định thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Việt Hùng, học sinh Trường Trung học phổ thông Lomonoxop (Hà Nội) cho biết em khá lo lắng cho kỳ tuyển sinh sắp tới, nhất là khi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến em và các bạn phải học trực tuyến trong thời gian dài.
“Học trực tuyến không hiệu quả bằng học trực tiếp vì dễ bị mất tâp trung và khó nắm bắt bài học hơn. Đôi lúc e thấy khá mệt mỏi vì thời gian dành cho việc ngồi máy tính quá nhiều cộng thêm việc chỉ quanh quẩn trong nhà, không có ai để trò chuyện,” Hùng chia sẻ.
Với hiệu quả học tập thấp hơn và căng thẳng nhiều hơn do học trực tuyến, Hùng cho biết em và các bạn khá bối rối với việc các trường có nhiều hình thức xét tuyển. “Nếu xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông thì điểm chuẩn có thể sẽ rất cao trong khi kỳ thi Đánh giá năng lực là khá mới với chúng em,” Hùng băn khoăn.
Có kế hoạch sẽ tham gia xét tuyển bằng cả hai kết quả thi Tốt nghiệp và Đánh giá năng lực, Hùng cho biết em đang nỗ lực học và ôn thi từng ngày, không chỉ trong các giờ học trên lớp mà còn tranh thủ tìm cả các tài liệu trên internet.
“Hình thức thi Đánh giá năng lực khá mới nên em phải tìm hiểu kỹ hơn. Em chỉ mong các trường nên ra đề trong phạm vi kiến thức cơ bản và liên quan đến đời sống, những điều gần gũi, để chúng em có thể làm bài tốt nhất,” Hùng chia sẻ.
Với Nguyễn Như Quỳnh, học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội), em dự kiến tham gia nhiều phương thức xét tuyển hơn. “Em sẽ tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực, thi Tốt nghiệp và xét cả học bạ, chứng chỉ IELTS để phòng khi điểm của hai kỳ thi kia không tốt,” Quỳnh nói.
Theo Quỳnh, có nhiều phương thức xét tuyển sẽ là lợi thế cho thí sinh để có thể tăng cơ hội trúng tuyển. Trong đó, việc kỳ thi Đánh giá năng lực nhiều đợt sẽ giúp cho thí sinh có thể làm quen với đề thi, thao tác thi và rút kinh nghiệm qua các đợt để có kết quả thi cao nhất phục vụ xét tuyển.
"Em sẽ tập trung ôn để đạt kết quả cao trong kỳ thi IELTS sắp tới. Nếu kết quả không cao sẽ phải tập trung ôn tập cao hơn nữa cho các kỳ thi tiếp theo," Quỳnh chia sẻ.
Trường tích cực ôn tập
Hiểu được lo lắng của học sinh, các nhà trường cũng đang tích cực vừa dạy vừa ôn tập cho học trò. Thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho hay nhà trường vẫn triển khai việc dạy và học cho học sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, các giáo viên cũng tham khảo các đề thi đánh giá náng lực, thi kiểm tra tư duy để có hướng ôn tập phù hợp. “Chúng tôi thấy gần đây các trường đại học đã đưa ra khá nhiều phương án xét tuyển nên học sinh cần phải thích ứng với các phương án mới này,” thầy Châu chia sẻ.
(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)
Cụ thể, theo thầy Châu, các đề thi đánh giá năng lực thường yêu cầu học sinh dùng kiến thức cơ bản để giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Vì vậy, học sinh bên cạnh việc nắm chắc kiến thức, học sinh còn cần suy luận, tư duy tốt mới có thể làm bài đạt kết quả cao. “Với hướng đó, giáo viên cũng tập trung để học sinh vững kiến thức và có được sự sáng tạo trong học tập và làm bài,” thầy Châu nói.
Theo tiến sỹ Phạm Hữu Cường, giáo viên dạy môn Ngữ văn của một trung tâm luyện thi tại Hà Nội, việc mở rộng hình thức xét tuyển vừa mở rộng cơ hội cho thí sinh nhưng đồng thời cũng là thách thức cho các em. Khác với kỳ thi Tốt nghiệp, kỳ thi Đánh giá năng lực, Kiểm tra tư duy có độ phủ khá rộng, từ lớp 10 đến lớp 12.
Ví dụ ở môn Ngữ văn, đề thi Tốt nghiệp trung học phổ thông thường chỉ hỏi về một hoặc hai văn bản thì đề thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thậm chí liên quan từ 8 đến 10 văn bản, gồm nhiều thể loại, từ thơ, văn xuôi, kịch. Vì thế, theo thầy Cường, học sinh sẽ phải phân bổ thời gian để ôn tập nhiều mảng kiến thức hơn, rèn luyện cả kỹ năng làm bài của hình thức thi mới vốn chưa quen thuộc. “Giáo viên chúng tôi cũng phải tìm hiểu, phân tích kỹ các đề thi tham khảo để có hướng ôn tập phù hợp cho các em,” thầy Cường cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay ma trận đề thi Đánh giá năng lực của Đại học này là 70% kiến thức lớp 12, 30% còn lại ở lớp 10 và lớp 11.
Là người đã tham gia xây dựng kỳ thi nhiều năm nay, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết để làm tốt bài thi thí sinh phải nắm kiến thức rất chắc vì bài thi phổ hết hoàn bộ chương trình, tỷ lệ khó khoảng 20%. Độ khó khó cao hơn kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông .
“Vì vậy, nếu học sinh ôn tập tốt sẽ làm bài tốt. Nếu các em học tủ, học lệch, không nắm chắc kiến thức thì sẽ khó có điểm cao,” thầy Đức nói./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/da-dang-phuong-thuc-xet-tuyen-dai-hoc-thi-sinh-cang-suc-on-thi/768814.vnp