"An cư mới lạc nghiệp" là nhu cầu và quyền lợi chính đáng mà bất kỳ ai cũng mong muốn, vậy mà đối với những công nhân lao động tại các Khu công nghiệp thì điều này dường như vẫn còn xa vời.
Trong căn phòng trọ chừng 18m2, anh Hoàng Văn Tuyển - Công nhân lao động đang chuẩn bị cơm nước sau khi kết thúc ca làm ban ngày. 10 năm từ Hòa Bình đến Vĩnh Phúc làm việc, 10 năm gắn bó với doanh nghiệp cũng là 10 năm gia đình anh sống trong không gian chật hẹp này. Cực chẳng đã nhưng đây là lựa chọn tốt nhất để đỡ tốn kém thêm chi phí sinh hoạt.
Giống như anh Tuyển, việc “an cư” với gia đình chị Vũ Thanh Thương - Công nhân lao động cũng là điều khó có thể làm được, mong muốn có không gian sống tốt hơn nhưng đồng lương công nhân cùng với việc phải nuôi con nhỏ lại không cho phép.
Ở nhà thuê trọ cũng là tình trạng chung của không ít công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, chủ yếu là lao động ngoại tỉnh. Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ cho công nhân lao động, tuy nhiên, thực tế về nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn.
Số lượng công nhân lao động ngày càng gia tăng dẫn tới những bức thiết về nhu cầu nhà ở ngày càng lớn, cần có sự vào cuộc hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó việc triển khai các mô hình nhà ở dựa trên nhu cầu, điều kiện và khả năng chi trả của Công nhân lao động là một trong những hoạt động cần sớm được triển khai thực hiện./.
Phương Anh