Tiếp xúc với một số đồng chí cán bộ, sĩ quan trẻ ở Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân (Quân chủng Hải quân) chúng tôi nhận thấy nổi lên những vấn đề rất đáng quan tâm.
Đó là tình trạng không có nhà ở, đất ở, vướng mắc việc hợp lý hóa gia đình, khó khăn trong giải quyết việc làm cho vợ con, thời gian và cường độ làm việc căng thẳng... đã tác động tới tâm tư, tình cảm của đội ngũ sĩ quan trẻ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ cũng như cuộc sống đời thường.
Đại tá Nguyễn Duy Long, Chính ủy Trung đoàn 351 cho biết: “Phần lớn các trạm ra-đa của đơn vị đóng quân nơi núi cao, đảo xa, điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn. Thế nhưng trong những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn yên tâm tư tưởng, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn những trăn trở rất đáng quan tâm, đó là phần lớn cán bộ, sĩ quan thuộc các đài, trạm chưa có đất ở, nhà ở, khó khăn trong việc hợp lý hóa gia đình”.

|
Cán bộ, nhân viên Trạm Ra-đa 550 huấn luyện quan sát mục tiêu.
|
Thực tế cho thấy, đội ngũ sĩ quan trẻ quê ở nhiều địa phương, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết vấn đề hợp lý hóa gia đình. Theo Thiếu úy Lê Văn Trường, Phó trạm trưởng Trạm Ra-đa 545, hiện nay, sĩ quan trẻ là cấp úy chiếm đa số, phần lớn công tác xa nhà hơn 300km. Thời gian trong năm chủ yếu ăn, ở, sinh hoạt tại đơn vị, một năm thường chỉ được nghỉ phép một lần, vì vậy không có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ gia đình, nhất là những đồng chí đã có vợ con. Mặt khác, mức thu nhập của quân nhân còn thấp so với mặt bằng chung, vì thế trừ chi phí sinh hoạt tối thiểu, thì không có điều kiện để tích lũy. Số sĩ quan cấp úy chưa có vợ chiếm tỷ lệ khá cao, song ít có thời gian tìm hiểu để xây dựng tổ ấm gia đình...
Đề cập tới vấn đề chế độ và các chính sách đãi ngộ hiện nay, Thiếu úy Trần Trung Lâm, Phó trạm trưởng Trạm Ra-đa 540 trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cùng đa số ý kiến của sĩ quan trẻ đều thống nhất cho rằng, hiện nay, phần lớn sĩ quan ở các đơn vị chưa có đất ở, nhà ở, một số rất ít được ở nhà công vụ của vùng, số cán bộ, sĩ quan còn lại phải đi thuê nhà, hoặc ở nhờ, trong khi tiền lương và những khoản phụ cấp còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Trung úy Võ Minh Lực, Phó trạm trưởng Trạm Ra-đa 550 đóng quân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bộc bạch: “Theo yêu cầu nhiệm vụ, các đài, trạm đóng quân trên núi cao, đảo xa, trong khi đó lại phải luân phiên thay đổi vị trí công tác. Điều đó phần nào tác động tới tình hình tư tưởng và tâm lý bộ đội, nhất là đội ngũ sĩ quan trẻ mới xây dựng gia đình. Như vậy, tới đây số cán bộ, sĩ quan trẻ công tác xa hậu phương, gia đình càng tăng thêm, trong khi việc làm của vợ con chưa ổn định”.
Những ý kiến của các đồng chí Lê Văn Trường, Trần Trung Lâm và Võ Minh Lực cũng đồng nhất quan điểm của đại đa số cán bộ, sĩ quan trẻ ở Trung đoàn 351. Hiện nay, sĩ quan đã có vợ nhưng phải thuê nhà ở chiếm tỷ lệ hơn 50%, số ở nhà công vụ chỉ có 2,8%, còn lại ở cùng bố mẹ. Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc đề nghị cấp trên giải quyết tình trạng đất ở, nhà công vụ cho đội ngũ sĩ quan. Tuy vậy, sự nỗ lực đó khó có thể đáp ứng được nhu cầu vì thực tế phần lớn đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ trong toàn Vùng 3 Hải quân chưa được thụ hưởng chính sách nhà đất.
Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song nhìn chung đội ngũ sĩ quan trẻ của Trung đoàn 351 đã vượt lên chính mình. Điều đó được thể hiện qua năng lực, hiệu quả và phương pháp, tác phong công tác. Tuy nhiên, đội ngũ sĩ quan trẻ ở trung đoàn nói riêng và các đơn vị của Vùng 3 Hải quân nói chung đang có xu hướng xin chuyển vùng khá nhiều. Thẳng thắn nhìn nhận, nguyện vọng đó hoàn toàn chính đáng, vì chuyển về các đơn vị gần nhà sẽ có thời gian, điều kiện gần gũi chăm lo tổ ấm gia đình mình hơn...
Theo Bài và ảnh: VĨNH LỘC/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khi-si-quan-tre-mo-long-682914