Tháng Một luôn là là thời điểm các doanh nghiệp chú trọng vào tiêu thụ sản phẩm, do đó chỉ số sản xuất công nghiệp thường có sự giảm sút so với tháng “nước rút” cuối cùng của năm trước đó.
(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Một ước tính giảm 3% so với tháng 12/2021, nguyên do đây là thời điểm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên so với cùng kỳ chỉ số này vẫn tăng 2,4%.
Trong đó, ngành chế biến-chế tạo tăng 2,8%, đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm. Riêng, ngành khai khoáng tiếp tục giảm 4,6% và làm giảm 0,7 điểm phần trăm của toàn ngành.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Báo cáo cũng cho hay đây là thời điểm cả nước chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trước đó vào ngày 8/12, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 11/CT-TW về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trên cơ sở đó, gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng do dịch COVID-19 tiếp tục được triển khai. Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về công tác triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, tính đến ngày 21/1, cả nước đã hỗ trợ 36.300 tỷ đồng cho 31,3 triệu lượt người và 378.300 đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam tiếp tục được triển khai thần tốc, an toàn, khoa học, hiệu quả. Tính đến ngày 25/1, tổng số vaccine đã được tiêm xấp xỉ 179 triệu liều.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bước sang năm 2022 sẽ có nhiều nguy cơ và thách thức đan xen. Trong đó, nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, giải pháp chính sách cần chú trọng vào cơ cấu, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh, như thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không và du lịch…
Ngoài ra, bà Hương nhấn mạnh vào giải pháp thúc đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc, tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tong-cuc-thong-ke-chi-so-san-xuat-cong-nghiep-thang-mot-giam-3/770901.vnp