Hơn 100 công ty đang khởi nghiệp trong lĩnh vực thịt nuôi trồng (còn gọi là thịt giả). 2 năm qua, nhà đầu tư đã rót 2 tỷ USD vào lĩnh vực này và khả năng sẽ có nhiều đầu tư hơn nếu được chấp thuận.
Josh Tetrick, đồng sáng lập kiêm CEO của công ty khởi nghiệp thịt nuôi cấy Eat Just, đang tưởng tượng đến một ngày thịt giả (loại thịt được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm) sẽ có mặt ở khắp nơi, từ các nhà hàng gắn sao Michelin cho đến các quầy bán hàng rong và các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh.
Nhưng để đạt được điều đó vẫn cần phải đầu tư nhiều hơn nữa và được các cơ quan chức năng phê duyệt sử dụng.
Thịt nuôi trồng trong phòng thí nghiệm (Ảnh: The Spoon).
Thịt nuôi trồng hay nuôi cấy là các sản phẩm thịt động vật được sản xuất trong các phòng thí nghiệm hoặc các cơ sở sản xuất thương mại. Hiện nay, quá trình sản xuất này rất tốn kém nhưng các nhà nghiên cứu và giới doanh nhân cho biết theo thời gian sẽ hiệu quả và ít tốn kém hơn. Nếu người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt nuôi trồng, loại thịt này có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.
"Đây không phải điều không thể tránh được", Tetrick nói và cho biết điều này có thể mất 300 năm hoặc có khi chỉ 30 năm, tùy thuộc vào khả năng kỹ thuật và nhận thức của người tiêu dùng.
Theo dữ liệu từ Crunchbase, các nhà đầu tư đã rót khoảng 2 tỷ USD vào lĩnh vực này trong 2 năm qua. Năm tới được dự đoán sẽ có nhiều đầu tư hơn vào lĩnh vực này. Eat Just và các công ty trong ngành đang nỗ lực để được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ chấp thuận.
Theo ông Nick Cooney, đối tác quản lý tại LeverVC, một công ty đầu tư vào lĩnh vực này, dự kiến Mỹ sẽ phê duyệt sớm nhất là trong năm nay.
"Có một số công ty trong lĩnh vực này đang xây dựng các cơ sở quy mô lớn để sản xuất các sản phẩm thịt nuôi trồng. Nhưng để sản xuất với khối lượng tương đối lớn sẽ liên quan đến rất nhiều vốn, thép và cả thời gian", ông nói.
Eat Just đã đạt được nhiều đột phá trong 2 năm qua. Theo đó, tháng 12/2020, Singapore đã chấp thuận cho họ bán thịt gà nuôi mang nhãn hiệu Good Meat, bao gồm ức gà, thịt gà và các sản phẩm gà xé nhỏ.
Tháng 12/2020, Singapore đã chấp thuận cho Eat Just bán thịt gà nuôi mang nhãn hiệu Good Meat (Ảnh: Eat Just).
"Đó là thịt thật", Tetrick khẳng định. Tetrick giải thích: "Thay vì cần tất cả diện tích đất, nước hay phá bỏ các khu rừng nhiệt đới để có hàng tỷ con vật làm thịt thì chúng tôi bắt đầu chỉ với một gian phòng và lấy tế bào từ sinh thiết của một con vật hay một miếng thịt tươi hoặc từ ngân hàng tế bào. Sau đó chúng tôi xác định các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi tế bào đó và chế tạo nó trong một bình thép không gỉ được gọi là lò phản ứng sinh học".
Ngoài thịt, Eat Just cũng đang bán các sản phẩm trứng có nguồn gốc từ thực vật, được làm từ đậu xanh.
Hiện đã có hơn 700 người ở Singapore sử dụng các sản phẩm thịt nuôi trồng. Tetrick hy vọng sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô nếu thịt nuôi trồng được chấp nhận ở nhiều quốc gia khác.
Năm ngoái, đơn vị Good Meat của Eat Just đã huy động được 267 triệu USD để xây dựng hệ thống và tăng cường sản xuất ở cả Mỹ và Singapore. Hồi tháng 8 năm ngoái, công ty khởi nghiệp này cũng thông báo sẽ xây dựng một cơ sở ở Qatar, hợp tác với quỹ Doha Venture Capital và Qatar Free Zones Authority. Tuy nhiên để xây dựng các lò phản ứng sinh học đủ lớn để mở rộng quy mô họ sẽ phải cần nhiều vốn hơn nữa.
Singapore đã chấp thuận cho phép bán các sản phẩm thịt nuôi trồng ở nước này (Ảnh: Noted News).
Theo nhóm vận động nghiên cứu phi lợi nhuận The Good Food Institute, có hơn 100 công ty khởi nghiệp về lĩnh vực thịt nuôi trồng. Các công ty này cũng đang tăng cường những hoạt động của họ.
JBS, gã khổng lồ về protein trên toàn cầu - công ty mua lại BioTech Foods vào cuối năm ngoái, cũng tuyên bố đầu tư 100 triệu USD để thâm nhập vào thị trường thịt nuôi trồng và xây dựng một trung tâm thí nghiệm và phát triển ở Brazil.
Những phát triển này diễn ra khi người tiêu dùng ngày càng lo lắng về biến đổi khí hậu và mong muốn thay đổi thói quen ăn uống để hạn chế tác động tới môi trường. Các sản phẩm thịt có nguồn gốc từ thực vật đang ngày một phổ biến hơn khi xuất hiện trên thực đơn của KFC hay quầy bán thực phẩm của các siêu thị Target ở Mỹ.
Tuy nhiên, chi phí của các sản phẩm này vẫn đắt đỏ và cần phải giảm xuống. "Một quán ăn địa phương hoặc một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn sẽ không chấp nhận nếu nó đắt hơn nhiều so với thịt thông thường. Họ sẽ lấy nó khi nó gần hoặc thậm chí tốt hơn và rẻ hơn. Đó là những gì chúng ta cần phải làm", đầu bếp Jose Andres, chủ một nhà hàng đồng thời là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận World Central Kitchen nói.
Theo Nhật Linh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thoi-cua-thit-gia-dang-den-gan-20220124165026758.htm