Thời tiết giao mùa, độ ẩm trong không khí cao, việc vệ sinh chuồng trại không đảm bảo sẽ là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và gây bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững đang được các chủ trang trại, hộ chăn nuôi và đơn vị chức năng trên địa bàn huyện Tam Dương triển khai tích cực.
Hiện nay, huyện Tam Dương có hơn 13 nghìn con trâu, bò, trên 81 nghìn con lợn và trên 3 triệu con gia cầm. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đặc biệt là bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch cúm A, các cơ quan chuyên môn của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người chăn nuôi thấy được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Vĩnh Phúc hiện có trên 120.000 con trâu bò, trên 11 triệu con gia cầm và hơn 450.000 con lợn. Trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi, thủy sản; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, bên cạnh những biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, người chăn nuôi cần chấp hành đầy đủ việc tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm để tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm thiểu tối đa dịch bệnh phát sinh. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp chăm sóc vật nuôi, kịp thời phát hiện, thông báo tới cán bộ thú y cơ sở khi đàn gia súc, gia cầm bị ốm, mắc bệnh để cách ly, điều trị, không để lây lan ra diện rộng.
Đặng Thưởng