Liên minh châu Âu bất đồng quan điểm liên quan tới vấn đề cấm vận dầu Nga, trong khi Moscow cảnh báo, nếu động thái này xảy ra, giá dầu thế giới có thể tăng lên gấp gần 5 lần hiện tại.
Nhà máy dầu ở Nizhnekamsk, Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga (Ảnh: Reuters).
Ngày 21/3, Bộ trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã không thể tìm được tiếng nói chung về việc liệu có ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga hay không.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, châu Âu đã ban hành các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhằm vào Moscow, bao gồm đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương. EU đang tiếp tục bàn bạc gói trừng phạt thứ 5 nhằm gia tăng áp lực lên Moscow.
Tuy nhiên, khác với Mỹ và Anh - những nước đã ban hành lệnh cấm dầu Nga, EU vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề này, do họ phụ thuộc vào nguồn cung từ Moscow trong hàng chục năm qua.
Một số quốc gia muốn EU có biện pháp cứng rắn hơn nữa với Nga. "Tại sao châu Âu lại cho Nga thêm thời gian để kiếm tiền từ dầu mỏ và khí đốt? Thêm thời gian sử dụng cảng của châu Âu? Thêm thời gian để sử dụng các ngân hàng Nga không bị trừng phạt ở châu Âu? Đã tới thời điểm phải cắt đứt với Nga", Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis kêu gọi.
Tuy nhiên, Đức và Hà Lan nói rằng EU quá phụ thuộc vào năng lượng Nga và việc cắt đứt lúc này là không thể.
"Câu hỏi về việc cấm vận dầu mỏ không phải là chúng ta muốn hay không muốn, mà là chúng ta phụ thuộc như thế nào vào nguồn cung từ Nga", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các nhà báo.
"Đức đang nhập khẩu rất nhiều (dầu của Nga), và cũng có các quốc gia thành viên khác không thể ngừng nhập khẩu dầu từ ngày này sang ngày khác được", bà Baerbock nói.
Một nhà ngoại giao EU nói với Reuters rằng, khối này đang hy vọng rằng họ có thể tìm được nguồn thay thế năng lượng Nga vào tháng 6 và khi đó châu Âu mới có thể nghiêm túc cân nhắc về việc cấm dầu Nga. Tuy nhiên, chưa có thông tin chính thức về ngày, tháng cụ thể EU có thể triển khai những biện pháp này.
Sự bất đồng quan điểm của EU diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Bỉ vào giữa tuần này để họp thượng đỉnh NATO, EU và G7 nhằm bàn cách gia tăng áp lực lên Nga.
Theo các chuyên gia, năng lượng là một trong những lĩnh vực phức tạp nhất để trừng phạt vì mỗi quốc gia EU có một "lằn ranh đỏ" khác nhau. Trong khi các nước Baltic muốn cấm dầu Nga, Đức và Italy không thể làm điều này ngay lập tức do lo ngại giá dầu tiếp tục tăng. Lệnh trừng phạt nhằm vào than đá Nga là "giới hạn đỏ" với Đức, Ba Lan và Đan Mạch.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm qua đã cảnh báo, nếu phương Tây cấm dầu Nga, giá dầu sẽ tăng vọt lên 300 USD/thùng, thậm chí là 500 USD/thùng. Giá dầu hôm qua đã tăng lên 112 USD/thùng dầu Brent sau khi có tin tức EU cân nhắc việc cấm vận dầu Nga.
Ông Novak cũng cho biết, nếu phương Tây dừng mua dầu Nga, Moscow sẽ đi tìm khách hàng mới ở những nơi khác trên thế giới. Nga hiện tại vẫn là một nhà cung cấp dầu và khí đốt hàng đầu thế giới và rất khó để có thể tìm được nguồn thay thế dầu khí Nga trong thời gian ngắn.
Theo Đức Hoàng/ dantri.com.vn/Reuters
https://dantri.com.vn/the-gioi/eu-chia-re-vi-van-de-cam-van-dau-nga-moscow-canh-bao-hau-qua-20220322085951937.htm