Tự chủ đại học đã giúp cho các trường đại học tự chủ nhiều trong tuyển sinh, mở ngành học mới, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Năm nay, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực, còn trường ĐH Thủy Lợi mở 6 ngành học mới từ kinh tế số, kiểm toán đến Luật, kỹ thuật Robot.
Thí sinh dự kỳ thi Đánh giá năng lực (Ảnh: TS).
Lần đầu trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực
Tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp "Chọn chuẩn trường - Đi chuẩn đường" do hệ thống giáo dục HOCMAI phối hợp cùng Đại học Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức, ông Trần Bá Trình - Phó trưởng phòng đào tạo, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, bên cạnh 4 phương thức tuyển sinh truyền thống, trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn bổ sung phương thức xét tuyển thứ 5 dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức.
"Xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực là một phương thức tuyển sinh hoàn toàn mới, trường dự kiến sẽ dành khoảng 20% chỉ tiêu.
Đối với kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ đăng ký các bài thi theo môn: Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý. Đây cũng chính là những môn thi mà các em đang học tập và ôn tập để phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Mỗi một ngành tuyển sinh, trường sẽ xét điểm của 2 môn thi, trong đó có 1 môn được tính theo hệ số 2. Như vậy, nếu xét vào 2 ngành, thí sinh sẽ đăng ký thi 2 hoặc 3 môn thi. Việc tổ chức thi sẽ gọn trong 1 ngày, không gây cản trở hay làm mất nhiều thời gian của thí sinh" - TS Trình thông tin.
Tại buổi tư vấn, một nữ sinh chia sẻ, sau quá trình làm đề minh họa phần thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, em nhận thấy có nhiều điểm khác biệt về mặt cấu trúc và cách thức so với phần ôn thi tốt nghiệp. Do đó, thí sinh này mong muốn nhận được định hướng ôn tập đối với bài thi đánh giá năng lực, đặc biệt ở bài thi môn Ngữ Văn và Toán.
Phó trưởng phòng đào tạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, so với bài thi tốt nghiệp THPT, cấu trúc của bài thi đánh giá năng lực có điểm mới, tuy nhiên không có sự khác biệt quá nhiều.
"Đối với bài thi năng lực môn Ngữ Văn, nội dung phần thi tự luận vẫn chiếm tỷ lệ 70%, duy chỉ có điểm khác là 30% nội dung còn lại sẽ dành cho các câu hỏi trắc nghiệm về phần ngôn ngữ.
Đối với bài thi đánh giá năng lực các môn Toán, Vật Lý, Hóa học, Lịch sử… nội dung bài thi sẽ chiếm tỷ lệ lên tới 70% đối với những câu hỏi trắc nghiệm, do đó không tạo ra dạng thức hoàn toàn mới. Phần tự luận sẽ chiếm 30%. Lý do trong đề thi năng lực có phần tự luận bởi trường Đại học Sư phạm Hà Nội muốn kiểm tra, đánh giá năng lực trình bày, suy luận của thí sinh, đồng thời tạo cơ hội giúp các em thể hiện năng lực tư duy trong chính bài thi của mình".
Về định hướng ôn tập bài thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, TS. Trần Bá Trình khuyên các thí sinh không cần phân tâm để chuẩn bị cho các kỳ thi khác nhau. Nguyên nhân bởi những kiến thức mà các em ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp sẽ đồng thời phục vụ cho kỳ thi năng lực.
"Để đạt kết quả cao trong kỳ đánh giá năng lực của trường, nhất là đối với bài thi môn Toán, tôi nghĩ các em cần hiểu đúng bản chất của các khái niệm, định lý, đồng thời trau dồi cách trình bày câu hỏi sao cho khoa học nhất, tránh chuyện nhớ kiến thức một cách máy móc. Nắm vững những kiến thức này, bài thi năng lực của thí sinh sẽ đạt hiệu quả" - thầy Trình đề xuất.
Mong muốn thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một thí sinh đặt ra câu hỏi: "Nếu đăng ký xét tuyển vào trường bằng phương thức dựa trên kết quả của bài thi đánh giá năng lực, thì em cũng như các thí sinh khác có được đăng ký xét tuyển bằng các phương thức còn lại hay không?".
Trả lời thắc mắc, TS. Hoàng Thị Kim Huệ, giảng viên Khoa Quản lý Giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, bản chất của việc xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực là gia tăng cơ hội đỗ vào trường của các thí sinh. Do đó, nếu kết quả của bài thi năng lực không thuận lợi, các em hoàn toàn có thể nộp hồ sơ để xét tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội theo phương thức khác.
"Khi nào trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu tuyển sinh theo phương thức tuyển thẳng? Thí sinh có những điều kiện nào sẽ được tham gia đăng ký bằng phương thức này?". Đó là câu hỏi của một nam sinh đặt ra trong buổi tư vấn.
Theo TS. Trần Bá Trình, trong các phương thức xét tuyển của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bài thi đánh giá năng lực được xếp đầu tiên. Do đó, sau khi công bố kết quả của bài thi đánh giá năng lực, nhà trường mới bắt đầu thu hồ sơ những phương thức khác.
"Về điều kiện đăng ký xét tuyển bằng phương thức tuyển thẳng, đó là thí sinh là học sinh đội tuyển cấp tỉnh/thành phố hoặc đội tuyển của trường THPT chuyên trực thuộc các trường đại học được tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Những học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố/trường đại học ở bậc THPT cũng thuộc danh sách ưu tiên khi đăng ký xét tuyển theo phương thức tuyển thẳng.
Ngoài ra, thí sinh là học sinh trường THPT chuyên hoặc các trường THPT trực thuộc trường ĐHSP Hà Nội, trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh; hay những thí sinh có các chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK; chứng chỉ Tin học quốc tế MOS (Thời hạn 2 năm tính đến ngày 01/06/2022) cũng đủ điều kiện để đăng ký xét tuyển" - thầy Trình chia sẻ.
Trường ĐH Thủy Lợi bất ngờ mở nhiều ngành mới không gắn với "thủy lợi"
Năm 2022, Trường Đại học Thủy lợi tuyển sinh 37 ngành, nhóm ngành, trong đó vẫn duy trì tuyển sinh 31 ngành như năm 2021 và 6 ngành mở mới.
GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết, 6 ngành mở mới tại Trường Đại học Thủy lợi bao gồm: Kinh tế số, Kiểm toán, An ninh mạng, Tài chính ngân hàng, Luật, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh.
"Có thể nói, trong 6 ngành mở mới, ngành Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh; và ngành An ninh mạng đóng vai trò quan trọng, mang tính ứng dụng cao trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0.
Trường đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng chương trình đào tạo 2+2 với nhiều trường đại học trong khu vực và trên thế giới như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong đó, riêng ngành Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh, trường đã phối hợp với hai trường đại học tại Nhật bản, cùng nhau xây dựng, lồng ghép chương trình của đào tạo robot, ký hợp tác và chung tay triển khai ngành đào tạo này. Hiện nay, trường đã chuẩn bị hệ thống trang thiết bị, phòng lab theo tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản".
Đối với ngành An ninh mạng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho hay, nhà trường đã hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn nước ngoài như Samsung, gần đây nhất là FPT của Nhật Bản để xây dựng chương trình đào tạo tốt nhất cho sinh viên. Đặc biệt, sắp tới, Trường còn có chương trình 6 tháng và 1 năm, cử tất cả những sinh viên tham gia chương trình đào tạo này sang Mỹ, Nhật Bản để học tập, lấy chứng chỉ, tạo tiền đề về kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên.
Theo Kiều Phương/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/truong-dh-su-pham-thi-danh-gia-nang-luc-thuy-loi-mo-kinh-te-so-kiem-toan-20220330083434406.htm