Cập nhật: 01/04/2022 07:30:00
Xem cỡ chữ

Những cán bộ kiểm lâm đưa chúng tôi ra đảo Hòn Tre Lớn vào ngày biển lặng nước yên, trời mây hòa vào cảnh sắc rực rỡ một màu xanh, với lời giới thiệu hóm hỉnh: “Các anh chị sẽ nhìn thấy ở đảo chúng em chỉ những gì mọi người chưa từng một lần được nhìn thấy ở bất kỳ nơi đâu”. Với những gì được thấy và trải nghiệm, Hòn Tre Lớn chính là thiên đường du lịch.

Thiên đường san hô

Trước khi ra Côn Đảo, đọc sách lịch sử vùng đất này, tôi chỉ biết đảo Hòn Tre là một trong 16 đảo tại Côn Đảo, là đảo tiền tiêu, nơi các tù binh của ta thường chọn làm nơi giong buồm vượt ngục. Trên con xuồng ra Hòn Tre Lớn, anh Hoàng, cán bộ kiểm lâm cũng chỉ cho chúng tôi bãi biển hoang sơ, nơi năm 1952 gần 200 chiến sĩ ta đã tổ chức vượt ngục, nhưng bất thành. 81 người đã nằm lại trên biển, những người khác bị địch bắt giữ.

Cuối tháng 3/2022, Đoàn công tác của báo Tiền Phong đã tới thăm đảo Hòn Tre Lớn. Đoàn đã cùng chiến sĩ cán bộ kiểm lâm thu dọn toàn bộ rác thải nhựa, các mảnh lưới trôi dạt trên đảo để chuẩn bị các bãi đẻ cho rùa xanh vào mùa rùa sinh sản của rùa biển vào tháng Tư hàng năm.

Ngày nay, khu vực các cầu tàu và bến Đầm tấp nập thuyền neo đậu, nhất là vào mua mưa bão. Chúng tôi qua đảo hòn Bà, tương truyền là nơi nàng Phi Ánh vì can ngăn Gia Long cầu viện Pháp mà bị giam cầm. Đảo cũng không bóng người. Chiếc ca nô rẽ sóng lên Hòn Tre Lớn, một hòn đảo hoang vắng, ngoài trụ sở nhỏ của kiểm lâm, đảo chỉ có đá, cây cỏ và sóng biển vỗ về.

Hòn Tre Lớn vẫn như ngàn vạn năm trước với những cây cỏ bãi cát phơi mình cùng sóng biển. Nhưng bao quanh đảo này là một bức tranh tuyệt sắc của các bãi đá san hô cứng lớp lớp nối nhau. San hô đủ màu sắc, hình dáng, chúng như một vườn hoa khổng lồ âm thầm mọc quanh Hòn Tre Lớn với chiều dài mấy cây số và chiều rộng từ trong đảo ra hàng cây số.

 Hòn Tre Lớn - Thiên đường du lịch ảnh 1

Các tổ ấp trứng rùa Ảnh: Trần Nguyên Anh

Đồng nghiệp của tôi tại Tiền Phong là phóng viên Trường Phong nói: “Em đi ra Trường Sa 5 lần rồi và thấy bãi san hô của Hòn Tre Lớn này cũng đẹp chẳng kém gì Trường Sa”. Màu xanh biếc của mây trời và nước biển của Hòn Tre Lớn trong nhìn thấy đáy. Bằng mắt thường cũng có thể thấy san hô trùng điệp. Đảo cũng có những bộ đồ lặn cho những người yêu thích khám phá.

Trong đoàn của chúng tôi có vị khá đặc biệt. Cô là Người đẹp du lịch của cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong năm 2020. Trúc Linh nói: “Em hiện là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Văn hóa TPHCM. Lần đầu tiên em đến Hòn Tre Lớn và thực sự choáng ngợp với dải san hô và vẻ đẹp của thiên nhiên ở đảo. Em rất mong muốn mọi người chung tay bảo vệ san hô và bảo vệ cảnh quan Hòn Tre Lớn, giữ gìn bản sắc của Côn Đảo”.

Bãi rùa đẻ

Người đón chúng tôi vào đảo là anh Cường, một trong ba kiểm lâm viên đang làm việc trên đảo. Anh Cường dẫn đoàn cán bộ phóng viên Tiền Phong thăm Hòn Tre Lớn. Các kiểm lâm viên giới thiệu với anh Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong và anh Vũ Tiến - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong: “Đảo chúng tôi đang thực hiện chương trình bảo tồn rùa xanh, là loài đặc hữu được ghi vào sách đỏ thế giới và Việt Nam. Hàng năm rùa biển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á về Côn Đảo đẻ trứng, nhưng trước sự khai thác đánh bắt cũng như ô nhiễm môi trường, loài rùa biển quý hiếm đang bị đe dọa nghiêm trọng”.

 Hòn Tre Lớn - Thiên đường du lịch ảnh 2

Bãi san hô Hòn Tre Lớn Ảnh: Trần Nguyên Anh

Ngày 26/3/2022 vừa rồi, kiểm lâm Hòn Tre Lớn đã “giải cứu” một con rùa lớn vào đẻ ở đảo, khi nó bị mắc vào một mảnh lưới trôi nổi trên biển. Con rùa ấy đã vô cùng chật vật để kéo cả mảnh lưới khổng lồ vào đến bãi cát Hòn Tre Lớn để cầu cứu con người.

Anh Cường chỉ cho chúng tôi xem những bãi rùa đẻ. Những con rùa tạo ra các hố cát có đường kính cả mét. Sau khi đẻ xong, rùa mẹ vùi trứng ở độ sâu cả nửa mét và rời đi. Những con rùa con nở ra, sẽ từ Hòn Tre Lớn, từ Côn Đảo lang thang khắp Biển Đông. Để rồi 30 năm sau, khi đàn rùa con trở thành rùa mẹ, chúng trở về với Hòn Tre Lớn, trở về với Côn Đảo để sinh nở thế hệ tiếp theo.

Anh Hoàng nói: “Một quả trứng rùa có giá 500.000 đồng, mỗi ổ khoảng 100 trứng. Vì thế những kẻ săn trộm trứng rùa luôn tìm mọi cách để đánh cắp trứng rùa xanh. Nếu không bảo tồn quyết liệt thì tỷ lệ nở thành công trứng rùa là 0%”.

Tại đảo Hòn Tre Lớn, các cơ quan bảo tồn đã làm riêng một bãi ươm trứng rùa. Trứng được vùi sâu 60cm dưới cát, xung quanh có hàng rào thép gai bảo vệ. Mỗi ổ trứng đều cắm cọc ghi ngày rùa đẻ, số lượng trứng.

Một thống kê cho thấy, từ năm 1995 đến nay, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ hơn 21.000 tổ trứng rùa biển. Tỷ lệ trứng nở thành công ở Côn Đảo đạt tới 87%. Mỗi năm trung bình có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển. Tính ra khoảng 1,5 triệu rùa con sinh ra lớn lên tại Côn Đảo, thoát khỏi bàn tay những kẻ săn rùa để bắt đầu cuộc đời mới của chúng dưới đại dương.

Bảo tồn giống quý

“Hòn Tre Lớn không chỉ có rùa xanh, san hô mà còn có nhiều giống loài đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới - anh Cường nói với tôi - Đảo có rất nhiều chim thú, trong đó đặc biệt là bồ câu Nicoba, loài chim quí hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam và Quốc tế.

Nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, loài chim quí hiếm này chỉ được tìm thấy ở Vườn Quốc gia Côn Đảo. Chúng di cư đến Vườn Quốc gia Côn Đảo, đến Hòn Tre Lớn vào khoảng tháng 4 - 8 hàng năm, cùng với rùa xanh. Thời gian ấp trứng tại đảo 20 - 24 ngày.

Đảo Hòn Tre Lớn cùng các đảo khác tại Côn Đảo đã trở thành thiên đường thực sự với rùa xanh, chim bồ câu Nicoba. Tại đây, chúng sống cuộc đời có thể nói là “không thiếu thứ gì”.

Đằng sau sự sinh tồn của những giống loài quý hiếm ấy là cuộc sống gian khó của người chiến sĩ kiểm lâm. Anh Phan Văn Liên, từng đi bộ đội, nay là kiểm lâm viên trên Hòn Tre Lớn nói: “Cuộc sống trên các đảo vào mùa mưa bão rất khó khăn. Đa số các đảo không có nước ngọt. Nhiều đảo sóng điện thoại rất yếu, muốn gọi về nhà phải tìm nơi có sóng. Biển động thì hai ba tháng chúng tôi mới có thể thay quân, đổi người vào bờ”.

Những chiến sĩ kiểm lâm đưa tôi đi xem trụ sở của họ trên đảo. Quan trọng nhất là một bể nước ngọt: “Bọn em hứng nước vào mùa mưa, trữ để dùng trong mùa khô”. “Sinh hoạt trên đảo sử dụng điện bằng bình ắc quy, nên hết sức tiết kiệm”.

Anh Cường, người chiến sĩ kiểm lâm da phai màu nắng gió nói với chúng tôi: “Chúng em vất vả cũng quen rồi anh ạ, chỉ mong chờ cho ngày rùa nở để đưa chúng về với biển”. Bãi rùa đẻ vốn có mái che, nhưng gió lốc lớn quá đã cuốn đi mất, nên ba anh em trên đảo đang chuẩn bị vật liệu làm lại nhà cho đàn rùa con.

Theo Trần Nguyễn Anh/tienphong.vn

https://tienphong.vn/hon-tre-lon-thien-duong-du-lich-post1427153.tpo