Cập nhật: 29/04/2022 08:16:00
Xem cỡ chữ

Xơ gan là một bệnh lý nguy hiểm, vì nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời, người bệnh có thể tiến triển thành ung thư gan. Vậy làm gì để phòng tránh những biến chứng của căn bệnh này.

Xơ gan là hậu quả của quá trình viêm-hoại tử tế bào gan do nhiều nguyên nhân dẫn chết các tế bào gan và dần được thay thế bởi các tế bào xơ không chức năng biểu hiện bởi tình trạng suy giảm không hồi phục chức năng của tế bào gan.

Các nguyên nhân thường gây ra xơ gan bao gồm: uống và nghiện rượu, viêm gan siêu vi B và C và gan nhiễm mỡ.

1. Những biến chứng thường gặp của xơ gan 

Xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản: Người bệnh có biểu hiện là nôn ra máu ào ạt hoặc tiêu phân đen sệt, mùi khắm. Đây là biến chứng nặng đe dọa tính mạng, cần cấp cứu nội khoa kịp thời .

- Nhiễm trùng: Người bệnh có biểu hiện là sốt, đau khắp bụng, có thể kèm tiêu lỏng hoặc táo bón, có thể xãy ra sau đợt nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu hay nhiễm trùng da…đôi khi không tìm thấy ổ nhiễm trùng. Người bệnh xơ gan thường gặp khó khăn trong việc chống lại nhiễm trùng vì vậy, khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt.

- Rối loạn đông máu: Do gan không sản xuất đủ yếu tố đông máu và do cường lách nên tiểu cầu bị tiêu diệt làm chảy máu khó cầm.

- Hội chứng gan thận: Là tình trạng suy thận diễn tiến nhanh đột ngột kết hợp với suy gan nhanh thường xảy ra sau nhiễm trùng, chảy máu tiêu hóa trên, dùng thuốc hại thận hoặc dùng lợi tiểu quá mức. Tần suất 18% trong 1 năm đầu chẩn đoán và 39% trong 5 năm chẩn đoán xơ gan.

Khi đó bệnh nhân xơ gan có thể xuất hiện tình trạng suy thận chức năng với các biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, nôn, lách to, teo cơ, run giật cơ,... Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới tử vong.

- Hội chứng não gan: Là tình trạng rối loạn tri giác dần tiến tới hôn mê có liên quan đến mức độ nặng của bệnh gan. Bệnh xảy ra sau chảy máu tiêu hóa, nhiễm trùng, dùng thuốc an thần (benzodiazepines), hạ Natri máu, Kali máu, mất máu…

- Ung thư gan: Xơ gan là yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ ung thư gan. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Đa số người bệnh chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm ổ bụng. Ở giai đoạn nặng hơn, khối u trong gan sẽ gây đau tức vùng dưới sườn phải, người bệnh bị sụt cân nhanh chóng, suy kiệt, có khi là xuất huyết ổ bụng do khối u bị vỡ. 

Người bị xơ gan nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư gan từ 3 – 6 tháng/lần để phát hiện sớm các biến chứng của bệnh.

Biến chứng xơ gan: Những điều nên làm để phòng tránh hệ lụy - Ảnh 1.

Tổn thương xơ gan, ung thư gan và gan khỏe mạnh

2. Cần làm gì để phòng tránh biến chứng xơ gan?

Khi bị chẩn đoán là xơ gan, người bệnh cần xác định rõ bệnh của mình đang ở trong giai đoạn nào để có phương hướng tuân thủ điều trị, chế độ dinh dưỡng, điều chỉnh lối sống cho hợp lý. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

- Những việc nên làm ở người bệnh xơ gan:

Người bệnh xơ gan cần có chế độ ăn hợp lý, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn nhiều chất xơ để chống táo bón. Tái khám đúng theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa gan mật.

Tự theo dõi những biến chứng nặng tại nhà như các vấn để về tiêu hóa: tiêu phân đen, nôn ra máu, tiểu ít, sốt, chảy máu răng, đau bụng hoặc tri giác bất thường thì vào tái khám ngay. Ngoài ra người bệnh cần tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, không nên gắng sức, vui vẻ lạc quan yên tâm điều trị bệnh.

- Những việc nên tránh ở người bệnh xơ gan:

Cũng như các bệnh lý khác, người bệnh xơ gan tuyệt đối không dùng những thuốc hoặc hóa chất không rõ nguồn gốc, dùng thuốc theo mách bảo, không dùng thuốc theo truyền miệng trong dân gian.

Người bệnh không nên tự ý đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn ( để lâu) hoặc nghi ngờ có tẩm hóa chất độc hại: hàn the, formol…Tránh thức ăn lên men: tương chao, mắm…Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín: thịt cá sống hoặc tái, cua sò ốc hến…

Hạn chế ăn nhiều chất béo, trứng, nội tạng động vật như gan, ruột. Tuy nhiên không kiêng khem quá mức ở giai đoạn xơ gan còn bù. Tốt nhất cần có tư vấn bởi bác sĩ dinh dưỡng.

Ngoài ra người bệnh xơ gan không dùng rượu bia hay thức uống có cồn khác. Khi xơ gan nặng có báng bụng hay phù chân nên hạn chế mặn có nhiều muối, khi xơ gan mất bù thì hạn chế đạm.

Biến chứng xơ gan: Những điều nên làm để phòng tránh hệ lụy - Ảnh 3.

Người bệnh xơ gan cần chú ý đến những bất thường của cơ thể như vàng da... để nhập viện.

3. Người bệnh xơ gan khi nào cần nhập viện ?

Người bệnh xơ gan cần chú ý đến những bất thường, các biểu hiện như tiểu ít, rối loạn tri giác: bứt rứt, ngủ gà, lẫn lộn, hôn mê. Đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng hơn 5 lần/ ngày. Bụng báng căng gây khó thở và không đáp ứng với thuốc lợi tiểu.

Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng, chảy máu ( nôn ra máu, tiêu phân đen, chảy máu mũi, răng kéo dài), rối loạn đông máu nặng hoặc tiểu cầu giảm nhiều nguy cơ chảy máu cao… cần nhập viện để được bác sĩ tư vấn và điều trị.

Tóm lại: Người bệnh xơ gan phải hết sức cẩn thận trong việc bảo vệ gan, Để bảo vệ gan khỏi bị tổn thương nặng thêm người bệnh cần tiêm phòng các bệnh viêm nhiễm để giảm bớt những nguy cơ khi đó giảm được việc dùng thuốc, hạn chế tổn thương gan thêm.

Không uống rượu và các loại thuốc khi chưa có chỉ định của các bác sĩ vì có thể gây hại cho gan. Hạn chế hút thuốc lá, cần thường xuyên tập thể dục, thay đổi lối sống. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng: ăn uống điều độ, không ăn quá nhiều đạm động vật, nên dùng chất béo chưa bão hòa, tăng cường trái cây, rau quả…. để quá trình chữa khỏi bệnh hiệu quả hơn và phòng ngừa giảm thiểu các biến chứng xơ gan.

Theo ThS.BSCKII. Nguyễn Quốc Dũng/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/xo-gan-nhung-dieu-can-lam-ngay-de-phong-tranh-bien-chung-169220425230212684.htm