Thời gian gần đây dư luận rất bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra những vụ việc học sinh tự tử do áp lực tâm lý. Những vụ việc đau lòng này là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo trong việc giáo dục, đồng hành, chia sẻ với con em mình.
Học hành căng thẳng, áp lực thi cử hay những kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ, thầy cô... là những nguyên nhân tạo nên sự dồn nén về tâm lý cho các em học sinh. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng sẵn sàng chia sẻ với thầy cô, bạn bè và cha mẹ về những vấn đề mình đang gặp phải. Ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống.
Đối với trẻ vị thành niên, áp lực thường đến từ hai phía đó là áp lực học tập và áp lực từ gia đình, khi những cảm xúc tiêu cực dồn nén lâu ngày các em sẽ cảm thấy bế tắc. Do vậy, nếu thiếu sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời từ cha mẹ, thầy cô giáo, trẻ sẽ có những hành động khó kiểm soát.
Cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại và học sinh đã được đến trường. Việc học tập trực tiếp, được giao lưu tiếp xúc với bạn bè, thầy cô cũng là một yếu tố quan trọng giúp giải tỏa tâm lý của trẻ em. Bên cạnh xây dựng lại nếp học như trước, cùng với việc chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi sắp tới, một số trường hiện cũng đã quan tâm tới sức khỏe tinh thần của học sinh.
Năm học 2021-2022 đang dần khép lại, đây cũng là thời điểm học sinh chịu nhiều áp lực về việc học tập khi các em bước vào những cuộc kiểm tra khảo sát chất lượng và tham gia các kỳ thi quan trọng, vì vậy thời điểm này các em rất cần sự quan tâm chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành của cha mẹ, thầy cô, giúp các em vượt qua khó khăn, thi đua học tốt.
Thu Hoài