Ngày 6/5, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc có Công điện số 02/CĐ-PCTT V/v tăng cường triển khai các giải pháp phòng, tránh tai nạn đuối nước.
Để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại, phòng tránh tai nạn do đuối nước gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, triển khai một số nội dung sau:
Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em; Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 01/10/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030; Văn bản số 2339/UBND-VX4 ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em; Văn bản số 2797/ UBND-VX4 ngày 03/5/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Công điện 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, tránh đuối nước đối với Nhân dân và tổ chức, chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các hoạt động trong môi trường nước; rà soát, cảnh báo hoặc can thiệp để loại bỏ những rủi ro, hiểm họa dẫn đến nguy cơ tai nạn đuối nước.
Thường xuyên cập nhật, truyền tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm đến các cơ quan, tổ chức hoặc cơ sở hoạt động lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí trong môi trường nước.
Kiểm tra, giám sát, xử lý việc chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn, TKCN của tổ chức, chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các hoạt động lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí trong môi trường nước. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn, hoạt động tự phát, không phép hoặc khi xuất hiện thời tiết xấu, nguy hiểm.
Tổ chức biên soạn, in ấn và cấp phát các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật bơi lội và các kỹ năng phòng tránh, sơ cứu đuối nước đến mọi người dân nhất là đối tượng trẻ em. Đào tạo các giáo viên, tình nguyện viên và mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật bơi lặn và kỹ năng tìm kiếm, cứu nạn và sơ cấp cứu đuối nước, đặc biệt chú trọng đến các trường học và Nhân dân sống ven sông, hồ;
Rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Chủ động các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm rào chắn; tại các khu vực sông, suối, ao, hồ, đập, công trình thủy lợi và khu vực trũng sâu ngập nước phải lắp đặt các biển cảnh báo “Khu vực nguy hiểm”, thường xuyên tuần tra nhắc nhở, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em ở trường học, trong gia đình và cộng đồng.
Biểu dương, nhân rộng kịp thời những sáng kiến hay, mô hình tốt, đóng góp ý nghĩa của xã hội, gia đình, cộng đồng cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại địa phương.
Hồng Hà