Cập nhật: 15/05/2022 16:10:00
Xem cỡ chữ

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn đi đầu cả nước về các chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng. Các chính sách kịp thời, thiết thực, đã góp phần quan trọng vào đổi mới tư duy, cách tổ chức sản xuất của người nông dân, từ đó không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn hướng tới sản xuất lúa gạo bền vững.

Nhiều năm nay, các giống lúa cũ như Q5, Khang dân 18 đã giảm nhiều, không còn ở vị trí đứng đầu như trước đây, thay vào đó là những giống lúa có ưu thế vừa năng suất cao, chất lượng thơm, ngon, vừa có sức chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự chuyển đổi cơ cấu giống lúa của tỉnh đã tạo “luồng gió mới” hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả. Giống lúa Séng Cù lần đầu tiên đưa vào trồng tại đồng đất Vĩnh Phúc bước đầu cho thấy sự thích nghi cao với thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh.

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã có sự bứt phá mạnh mẽ về cơ cấu giống lúa. Các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao lần lượt được đưa vào trồng khảo nghiệm và đã đưa ra trồng đại trà thành công. Những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng gạo khá và chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất thuận như: TBR 25, Thiên ưu 8, ADI 28, DT 39 Quế Lâm, Sơn Lâm 2, DQ 11 ... đã được nông dân đưa vào sản xuất chiếm 70% tổng diện tích toàn tỉnh; tỷ lệ lúa Xuân muộn, lúa Mùa sớm chiếm đến 98% trà lúa chủ lực của tỉnh. Từ cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng của tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao ở các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương. Nhờ vậy, những năm gần đây, mặc dù diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nhưng năng suất lúa vụ xuân liên tục xác lập những kỷ lục mới 60,33 tạ/ha năm 2014 lên 62,53 tạ/ha năm 2021.

Nhờ thực hiện những giải pháp đồng bộ theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp từ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống đến công tác thủy lợi, bảo vệ thực vật, phân bón nên Vĩnh Phúc đã có sự đột phá mạnh mẽ trong sản xuất lúa gạo. Tỉnh đang đạt mục tiêu hướng đến việc sản xuất các vùng lúa gạo chuyên canh bền vững, an toàn.

Hà Giang