Trong chương trình có nhiều tiết mục đặc sắc như: Hòa tấu dàn chiêng Knăh Iêô Wit H’gum (tiếng Ê Đê nghĩa là Gọi về sum họp), múa vỗ tay bài "Chi-ri-ria", hòa tấu chiêng Jhô bài "Mừng mùa". Nhiều ca khúc nổi tiếng mang âm hưởng Cao Nguyên như "Ơi chim K’Tia", "Đêm xoang Ban Mê", hòa tấu nhạc cụ dân tộc "Lời của đại ngàn".
Chương trình còn giới thiệu đến du khách dàn chiêng Knăh của người Ê Đê và bộ chiêng Jhô (gồm 6 chiêng và trống H’gơr) của phụ nữ Ê Đê Bih ở huyện Krông Ana. Du khách tham dự còn được thưởng thức rượu cần, đeo vòng đồng và hòa mình vào các vũ điệu dân gian truyền thống, nối rộng vòng xoang với bài hát "Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột".
Ông Đặng Gia Duẩn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và khách du lịch được Sở tổ chức từ năm 2017, duy trì 2 chương trình/tháng. Đây là hoạt động quan trọng giới thiệu đến công chúng, du khách giá trị độc đáo của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk.
Trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chương trình tạm dừng. Nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, hoạt động này được tái khởi động với nhiều tác phẩm mới, khai thác được chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tăng sự tương tác của các nghệ nhân với du khách. Ông Đặng Gia Duẩn cho biết, bắt đầu từ tháng 5 này, chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ vào lúc 20h tối thứ Bảy của tuần thứ 2 và tuần cuối hàng tháng, mở cửa tự do và miễn phí cho tất cả khán giả tham dự.
Theo ông Đặng Gia Duẩn, Đắk Lắk đã đón rất nhiều du khách đến từ Hà Nội, TP.HCM và đặc biệt là một số du khách đến từ châu Âu như Bỉ, Anh... Trong thời gian tới, những hoạt động như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn và có nhiều chương trình lớn hơn nữa, đặc biệt là gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, kết hợp với phát triển du lịch./.