Những “điểm nghẽn” khiến việc thực hiện Luật Quy hoạch trầy trật đã được nhận diện rõ, các giải pháp cấp bách trước mắt cũng như trung và dài hạn được định hình. Kết quả đó nhờ cuộc giám sát trúng, kịp thời và thẳng thắn của Quốc hội.
Quốc hội khóa XV vừa dành trọn 1 ngày làm việc để nghe Báo cáo của Đoàn giám sát và thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, song sau nhiều năm vẫn không thể triển khai một cách thuận lợi dù không ít giải pháp bổ sung đã được thực hiện, thậm chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV phải ban hành Nghị quyết 751 giải thích một số điều trong luật.
Chính vì vậy, ngay kỳ họp đầu tiên của khóa XV, Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022 nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện luật của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.
Kết quả giám sát được phản ánh tại Báo cáo đầy đủ (71 trang) và các tài liệu kèm theo mà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định từng cho biết là “khi cân lên tới 16kg”, thể hiện sự công phu trong quá trình làm việc, trong đó nhận diện và chỉ rõ được những nút thắt, “điểm nghẽn” từ chính những bất cập trong quy định đến cách tổ chức thực hiện trong thực tế và thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Chính vì vậy, khi thảo luận hội trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ hoàn toàn đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát, đánh giá rất giá trị, toàn diện, sâu sắc và “thời sự”; đồng thời cho rằng cuộc giám sát này là chưa từng có tiền lệ, nếu xét về nội dung, tính chất phức tạp và cả phạm vi tác động. Kết quả cho thấy việc Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao vấn đề quy hoạch là trúng, đúng và kịp thời.
Khách quan mà nói, việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ. Số lượng quy hoạch giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật quy hoạch có hiệu lực xuống 111 quy hoạch (giảm 97%), chỉ còn 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch không gian biển quốc gia, 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 39 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.
Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn là thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, có tầng bậc, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.
Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh. 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.
Vấn đề đặt ra tại sao công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch lại chậm và có nhiều vướng mắc như vậy? Không trả lời được câu hỏi này thì mọi giải đáp đều không căn cơ, đều nửa vời, thậm chí có thể phát sinh thêm những vướng mắc mới. Và báo cáo giám sát cũng như các ý kiến đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nhận diện, chỉ rõ những nút thắt, điểm nghẽn, trong đó có những bất cập ngay trong Luật Quy hoạch với nội hàm, khái niệm chưa rõ ràng, khó thực hiện.
Chính đại biểu Quốc hội cũng thừa nhận, hiếm có luật nào có quá trình từ xây dựng dự án luật đến khi thông qua lại gặp nhiều ý kiến khác nhau như vậy. Nhiều vấn đề cơ bản của Luật Quy hoạch chưa được luận giải thấu đáo, đầy đủ nên khi triển khai trong thực tế bị vướng mắc ngay. Điều này đã được cảnh báo từ trước, khi thảo luận dự án luật.
Bên cạnh đó, hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật cũng đã được Đoàn giám sát chỉ ra cụ thể.
Điều đáng lo lắng là tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cũng bị đánh giá là rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn, đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt. Điều này dẫn đến phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch…
“Những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch bất cập còn do nguyên nhân tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, địa phương còn nhiều hạn chế” – báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ và Quốc hội cũng thống nhất cao.
Có thể nói, hoạt động giám sát lần này là dịp tổng rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan về việc triển khai pháp luật về công tác quy hoạch trên phạm vi cả nước. Một số vấn đề nhận thức đối với pháp luật về quy hoạch đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhận diện sâu sắc trong hoạch định chính sách, xây dựng thực thi pháp luật và quản lý nhà nước về công tác quy hoạch. Hơn thế, hoạt động giám sát góp phần đánh giá chất lượng công tác xây dựng pháp luật thời gian vừa qua và bài học kinh nghiệm trong thời gian tới.
Đoàn đã kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết giám sát để xử lý tất cả các tồn tại, hạn chế, trong đó có các giải pháp cả cấp bách trước mắt, lẫn trung hạn, dài hạn. Các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình cũng như gợi mở thêm nhiều giải pháp khả thi khác.
Cuộc giám sát tối cao của Quốc hội diễn ra thẳng thắn, không kém phần “nóng”, song như lời một đại biểu, với Nghị quyết giám sát của Quốc hội được thông qua tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ có cơ sở pháp lý để triển khai hàng loạt các giải pháp để xử lý các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch 2021-2030, bảo đảm chất lượng quy hoạch.
"Rõ ràng, hoạt động giám sát của Quốc hội là hoạt động đồng hành cùng Chính phủ" - một đại biểu Quốc hội nhận định./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/cuoc-giam-sat-toi-cao-xanh-chin-va-chua-tien-le-cua-quoc-hoi-post947140.vov