Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao song trên thực tế, việc tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả, tạo đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Là doanh nghiệp đầu tiên làm nông nghiệp công nghệ cao của huyện Tam Dương, Công ty TNHH Gia Bảo - Cargo do anh Phạm Văn Xuân làm Giám đốc đầu tư trên 6 tỷ đồng mua gom ruộng đất của người dân, gần 2 tỷ đồng xây dựng hạ tầng điện, đường, nước nhà kính với diện tích trên 3000m2 để trồng các loại hoa. Nhưng đến giờ, công ty vẫn đang gặp nhiều khó khăn do quy trình, thủ tục chuyển đổi đất đai mất rất nhiều thời gian và vướng mắc; việc chuyển đổi bìa đỏ đất mua lại của các hộ dân cũng đang là cản trở khiến doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn vay.
Có thể nói, các doanh nghiệp khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ thì còn hết sức hạn chế. Tức là cơ chế chính sách thì có nhưng tính khả thi mà để đi vào cuộc sống thì có thể nói là chưa phát huy được nhiều. Ngoài ra, hạ tầng giao thông nông thôn hiện nay vẫn còn yếu kém nên doanh nghiệp phải tự đầu tư, bỏ ra chi phí rất lớn để khắc phục. Nhân công ở nước ta tuy nhiều và rẻ nhưng chất lượng không cao, khâu đào tạo cũng vô cùng tốn kém.
Để nông nghiệp thực sự trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp, Nhà nước cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp chế biến, sản xuất giống, vật tư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn./.
Đặng Thưởng