Để thích ứng với xu thế mới, thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phục hồi và phát triển du lịch, ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu đang đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng.
Du khách trải nghiệm đi cầu dừa trên vùng sông nước Bến Tre trong Khu du lịch sinh thái Lan Vương, ấp 2, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre (Bến Tre). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Nhìn nhận thế mạnh, chọn lọc, định vị sản phẩm đặc sắc cũng như đẩy mạnh liên kết trong và ngoài vùng để làm gia tăng giá trị điểm đến là những giải pháp được các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất, đẩy mạnh thực hiện.
Định vị sản phẩm đặc sắc
Sau thời gian chịu tác động của dịch COVID-19, xu hướng du lịch đã có sự thay đổi lớn. Du khách hướng đến nhu cầu tìm kiếm những không gian tham quan, nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên.
Để thích ứng với xu thế mới, thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phục hồi và phát triển du lịch, ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu đang tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao.
Tỉnh Ninh Thuận với lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch biển đang thu hút một lượng lớn du khách. ngành du lịch tỉnh đã và đang khuyến khích doanh nghiệp làm mới sản phẩm, xây dựng các điểm đến, tour, tuyến du lịch mới để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế; đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với đóng góp khoảng 15% GRDP.
Để thu hút du khách, Ninh Thuận tập trung phát triển bốn sản phẩm du lịch đặc thù gồm: du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa (đặc biệt là Di sản văn hóa Chăm); nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa.
Đồng thời, tỉnh phát triển bốn sản phẩm du lịch mới lạ gồm: khám phá và vui chơi giải trí cát-muối, săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; xây dựng bốn sản phẩm bổ trợ như du lịch cộng đồng, vui chơi giải trí và ẩm thực, tham quan sản xuất năng lượng tái tạo và thương mại du lịch.
Trong tương lai gần, tỉnh sẽ có thêm các dự án nghỉ dưỡng cao cấp như Mũi Dinh Ecopark, Bãi Cốc Resort, Ninh Chữ Sailing Bay…
Để đưa ngành du lịch phát triển, chính quyền tỉnh Bình Thuận cùng các doanh nghiệp du lịch đang tập trung kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận có nhiều điểm du lịch mới như khu đô thị nghỉ dưỡng, giải trí, thương mại Novaworld; khu du lịch The Happy Ride Glamping (Phan Thiết) và trang trại công nghệ cao Bình An (huyện Hàm Thuận Nam)… thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Đặc biệt, nhờ thời tiết tốt, tuyến du lịch đảo Phú Quý được các tour du lịch khai thác hiệu quả, lượng du khách đến ngày một đông hơn.
Năm 2022, Bình Thuận đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có 220.000 lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.500 tỷ đồng.
Du khách trải nghiệm không gian du lịch sinh thái ở xã Thành Triệu, huyện Châu Thành (Bến Tre). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tăng cường tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội gắn với phát triển du lịch, nhất là đăng cai Năm Du lịch quốc gia năm 2023 và các hoạt động du lịch cấp quốc gia, quốc tế tại địa phương.
Đối với Bà Rịa-Vũng Tàu, du lịch là ngành kinh tế trụ cột được ưu tiên đầu tư, phát triển với mục tiêu phấn đấu đưa doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 10,81%/năm; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng 12,4%/năm.
Những giải pháp mang tính đột phá cho ngành du lịch được xác định, đó là tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm, kêu gọi đầu tư cảng tàu khách du lịch quốc tế.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Địa phương đang triển khai 8 loại hình du lịch đặc trưng của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VII đề ra, gồm du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch gắn với chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch gắn với hoạt động thể dục thể thao, du lịch gắn văn hóa-lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Đồng thời, nghiên cứu để đề xuất một loại hình du lịch mang tính đặc trưng riêng biệt của tỉnh giúp khẳng định vị thế, định vị thương hiệu du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu so với các tỉnh, thành phố có biển trên cả nước.
Tăng cường liên kết vùng
Với đặc tính là ngành kinh tế tổng hợp, việc liên kết giữa các địa phương sẽ tạo ra những chuỗi giá trị, gia tăng tính hấp dẫn và đa dạng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch; từ đó đem lại nhiều nguồn lợi cho các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia liên kết.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: Phát triển du lịch là một chuỗi kết nối liên tục, rộng mở. Không gian du lịch là không gian phải được giao thoa, hòa quyện bản sắc vùng miền mới khơi gợi được sự quyến rũ, sức hấp dẫn của du lịch Bình Thuận.
Do đó, công tác liên kết vùng là công tác thường xuyên và được chú ý ngay từ đầu, Bình Thuận có kế hoạch, có chương trình liên kết với các địa phương lân cận như: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng…
Đây là “tam giác vàng” du lịch của cực Nam và miền Đông Nam Bộ, thường xuyên phối hợp tổ chức hoạt động, trao đổi và hỗ trợ nhau trong phát triển du lịch, cung ứng dịch vụ tốt nhất cho du khách.
Các hành khách chụp ảnh lưu niệm khi vừa bước chân xuống sân bay Cam Ranh. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)
Các hãng lữ hành đã thiết kế nhiều tour, tuyến du lịch thú vị, hấp dẫn như chợ Thành phố Hồ Chí Minh-hoa Đà Lạt-biển Bình Thuận; Vũng Tàu-Bình Thuận-Đà Lạt…
Bên cạnh đó, Bình Thuận còn liên kết với các tỉnh duyên hải miền Trung, các trung tâm kinh tế của cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ…; liên kết một số tour, tuyến lữ hành quốc tế.
Nhờ sự liên kết rộng, đa tầng, không gian liên kết được mở rộng, tỉnh đã giữ được thương hiệu và phát triển điểm đến Bình Thuận.
Xác định du lịch là ngành có tính chất liên vùng, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Du lịch tỉnh đã liên kết chặt chẽ với du lịch Thành phố Hồ Chí Minh để đón và phục vụ khách du lịch quốc tế với phương thức "sản phẩm du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu là sản phẩm du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh."
Du khách nước ngoài đến Thành phố Hồ Chí Minh có thể tham gia tour trải nghiệm Thành phố và nghỉ dưỡng tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Là điểm đến “quen mà lạ” Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) cùng Đà Lạt-Nha Trang-Phan Thiết đã hình thành nên tứ giác du lịch trong thời gian gần đây. Vùng đất này còn nhiều dư địa để phát triển với những giá trị độc nhất vô nhị về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan…
Đây chính là lợi thế đang được tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh khai thác, phát triển với các sản phẩm du lịch mới, liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong khu vực.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, hoạt động giao lưu, kết nối tour, tuyến, các chương trình du lịch giữa Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực đã được thực hiện. Tuy nhiên, việc liên kết, phát triển du lịch giữa các tỉnh chưa thật toàn diện nên chưa phát huy tiềm năng hợp tác giữa các bên, chưa khai thác triệt để tài nguyên du lịch của các địa phương.
Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác cần đi vào thực chất hơn giữa Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu với Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đồng Nai để tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch.
Liên kết cần cụ thể hóa bằng các hoạt động với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư trong một số hoạt động như phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; hợp tác, giới thiệu quảng bá du lịch, trao đổi khách nội địa, cùng tiếp cận thị trường khách quốc tế.
Với những hợp tác liên kết đã có, cần tiếp tục đổi mới, phát huy tính hiệu quả tam giác, tứ giác du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ; thực hiện liên kết các tuyến như du lịch xuyên Á, con đường di sản miền Trung, con đường xanh Tây Nguyên, du lịch sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Không bỏ lỡ thời cơ, nhất là trong “thời điểm vàng” để phục hồi ngành du lịch hậu COVID-19, các địa phương nắm bắt cơ hội, liên kết khai thác và phát huy những tiềm năng về du lịch để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Đây cũng là hành động thiết thực để cùng hiện thực hóa mục tiêu chung trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu nhiệm kỳ 2020-2025, đó là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.
Theo Huỳnh Sơn-Hồng Hiếu-Nguyễn Thành (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/lien-ket-phat-trien-du-lich-ben-vung-dinh-vi-san-pham-dac-sac/799846.vnp