Ngày 9/7,UBND quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã phối hợp cùng các sở, ngành tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”. Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đã có những phát biểu tham luận nhằm bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa của Chợ nổi.
Trong 5 năm qua, để triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, Ban chỉ đạo đã tổ chức thực hiện 13 công trình, hạng mục.
Trong đó, các hạng mục nổi bật bao gồm tổ chức ghe thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường; bố trí phao phân luồng đảm bảo an toàn giao thông thủy với kinh phí 98 triệu đồng; thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thương hồ giúp bảo tồn chợ nổi và phát triển du lịch;...
Sau 5 năm, chợ nổi Cái Răng như khoác thêm diện mạo mới, sản lượng hàng hóa, nông sản tiêu thụ ổn định hơn. Đặc biệt, số lượng tàu du lịch đến tham quan chợ nổi không ngừng tăng, với số lượng khách tham quan tăng trung bình từ 12 - 15% mỗi năm. Đây còn là địa điểm neo đậu quan trọng của nhiều phương tiện thủy mua bán hàng hóa (có khoảng 200 - 250 chiếc ghe, tàu mua bán, trao đổi hàng hóa, có lúc lên đến 300, 400 chiếc).
Các hoạt động đã tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông và các tiểu thương mưu sinh bằng cách cung cấp các dịch vụ trên sông trong thời gian qua với thu nhập bình quân từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng/tháng.
Cùng với đó, UBND quận Cái Răng cũng thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương hồ, tạo điều kiện thuận lợi cho 170 hộ gia đình tiếp cận nguồn vay để phát triển mua bán, du lịch, cung cấp hàng nông sản.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế ở riêng từng hạng mục.
Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện kinh tế - xã hội Cần Thơ e ngại về Dự án Kè sông Cần Thơ chậm trễ gây ảnh hưởng đến thương hồ trên Chợ nổi, mong muốn tìm giải pháp đôn đốc để bà con thuận tiện trong việc vận chuyển, mua bán.
Đại diện một vài Hợp tác xã thương mại dịch vụ và du lịch cũng đề xuất giải phóng mặt bằng, hoàn thành xây dựng bờ kè, xây dựng các bến bãi hoặc nhà nghỉ gần điểm du lịch chợ nổi để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Trước những đề nghị thiết thực, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định việc xây dựng chợ nổi Cái Răng trở thành trung tâm trung chuyển các mặt hàng nông sản tại thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung là điều hết sức cần thiết.
Xây dựng cao tốc trong tương lai chính là tiền đề để chợ nổi Cái Răng trở thành điểm kết nối vùng, đưa Chợ nổi ngày một phát triển, mang đậm dấu ấn miền Tây.
Ông Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh thời gian tới, toàn thành phố cần tập trung xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng; đặc biệt quan tâm cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và quản lý giá cả; nâng cao thái độ ứng xử văn minh, mến khách cho người dân và du khách xây dựng môi trường du lịch an toàn - thân thiện chất lượng để thu hút khách đến chợ nổi Cái Răng ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, sau hội nghị nên tổ chức Hội thảo đánh giá, mời các chuyên gia trên mọi lĩnh vực để tác động thực tế đến việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng.
Song song đó, sẽ tính đến việc liên kết các điểm chợ nổi tại ĐBSCL như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Sóc Trăng, chợ nổi Ngã Bảy,… để phát triển văn hóa đặc trưng của Tây Nam bộ./.
Theo Hồng Phương/VOV-ĐBSCL
https://vov.vn/du-lich/lien-ket-cac-cho-noi-nham-bao-ton-van-hoa-dbscl-post955639.vov