Điều đáng nói là lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN lại tăng mạnh, trước và sau khi Việt Nam áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Từ tháng 6/2021, sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) đối với một số sản phẩm đường mía Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, lượng nhập khẩu đường từ 5 nước ASEAN bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar lại tăng đột biến.
Nhận thấy hiện tượng này có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), căn cứ vào Hồ sơ cáo buộc cũng như yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan thông qua 5 nước ASEAN kể trên.
Đường được giá và khi đầu ra được đảm bảo là điều kiện tiên quyết cho người dân mạnh dạn mở rộng vùng nguyên liệu.
Sau quá trình điều tra 10 tháng (tính cả hai lần gia hạn với thời gian 4 tháng), mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có Dự thảo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh áp dụng biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm đường mía thuộc các mã HS 1701.1300, 1701.1400, 1701.9100, 1701.9910, 1701.9990, và 1702.9091 nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN.
Theo đó, cơ quan điều tra xác định, việc sử dụng nguyên liệu đường từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa bị cáo buộc sang Việt Nam của các doanh nghiệp từ các nước bị điều tra là hành vi lẩn tránh biện pháp CBPG và CTC. Khối lượng đường xuất khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar sang Việt Nam đều tăng nhanh trong thời kỳ điều tra so với giai đoạn trước, trong khi đó nhập khẩu đường của 5 nước này từ Thái Lan trong cùng thời kỳ có khối lượng lớn.
Cụ thể, tại thời điểm tháng 9/2020, tổng lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra chỉ bằng 17% so với lượng nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, lượng nhập khẩu đã gia tăng liên tục theo từng tháng và đến tháng 8/2021, lượng nhập nhẩu từ 5 quốc gia bị điều tra đã gấp gần 10,4 lần ở mức hơn 92.100 tấn so với lượng nhập khẩu từ Thái Lan gần 9.000 tấn.
Cục Phòng vệ thương mại cho rằng có sự dịch chuyển, gia tăng nhanh và mạnh lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra sau khi Bộ Công Thương tiến hành điều tra đối với hàng hóa bị điều tra có xuất xừ từ Thái Lan, nhất là thời điểm tháng 2/2021 ngay trước khi Bộ Công Thương tiến hành áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời, mức tăng lên tới gần 14.000% và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 3/2021 với mức tăng gần 2.600%.
Tính chung trong giai đoạn từ tháng 2/2021 đến tháng 8/2021, lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra đã tăng mạnh với mức tăng thấp nhất là 129% cho tới hơn 13.900%.
Trái ngược với xu hướng này, lượng nhập khẩu đường xuất xứ Thái Lan bắt đầu giảm mạnh từ tháng 3/2021, với mức giảm là 72%. Các tháng sau, lượng nhập khẩu từ Thái Lan vẫn tiếp tục suy giảm và đến tháng 8/2021, lượng nhập khẩu thấp nhất với mức giảm cao nhất là 92%.
“Có tồn tại thiệt hại rõ ràng của ngành sản xuất trong nước do tác động của hàng hóa nhập khẩu gia tăng rất nhanh và mạnh từ 5 quốc gia bị điều tra. Đồng thời, các chỉ số kinh tế cũng cho thấy hiệu quả của biện pháp CBPG, CTC đối với sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm rõ ràng do tác động từ đường xuất khẩu thông qua 5 quốc gia bị điều tra", đại diện Cục Phòng vệ thương mại xác định.
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại kiến nghị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất đường từ đường thô; không chứng minh được với cơ quan điều tra có hệ thống xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu đối với mỗi lô hàng sản xuất, xuất khẩu hoặc không nộp được các chứng từ, tài liệu theo yêu cầu chứng minh lô hàng không sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Thái Lan.
“Biện pháp chống lẩn tránh không chỉ được áp dụng với các doanh nghiệp mà cơ quan điều tra đã xác định có hành vi lẩn tránh trong thời kỳ điều tra, cần được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp của 5 nước bị điều tra”, Cục Phòng vệ thương mại kiến nghị.
6 tháng đầu năm, toàn ngành mía đường đã sản xuất được 741.666 tấn đường.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngay trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn có hiện tượng bất thường khi lượng đường nhập khẩu tăng đột biến so với cùng kỳ (tăng 169%), từ 5 nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam. Đáng chú ý, trong cùng thời điểm trên, 5 nước ASEAN nêu trên lại gia tăng lượng nhập khẩu đường từ Thái Lan.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, tiêu thụ sản phẩm của ngành mía đường tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn khi phải cạnh tranh khốc liệt với đường nhập khẩu cũng như đường thẩm thấu qua đường nhập lậu. Điều này càng làm cho nỗ lực phục hồi sản xuất, phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là sau dịch Covid-19./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/mia-duong-van-kho-phuc-hoi-boi-duong-nhap-khau-gia-tang-post958595.vov