Cập nhật: 02/08/2022 08:26:00
Xem cỡ chữ

Bộ Tư pháp cho biết còn gần 80.000 tỷ đồng cần phải thi hành trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Bộ Tư pháp vừa hoàn tất báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Trong đó, Bộ Tư pháp khẳng định đã chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Việc phối hợp với các ngành nội chính, tòa án, kiểm sát, công an, ngân hàng, bảo hiểm xã hội trong hoạt động thi hành án dân sự tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thi hành án. Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp tiếp tục được rà soát, kiện toàn, kịp thời giải quyết nhiều vụ phức tạp, kéo dài.

Còn gần 80.000 tỷ đồng chưa thể thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế - 1

Ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có trách nhiệm bồi thường 630 tỷ nhưng mới thi hành được 4,5 tỷ đồng (Ảnh minh họa).

Đến hết tháng 6/2022, tổng số tiền phải thi hành gần 333.000 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là gần 176.000 tỷ đồng. Các cơ quan thi hành án đã thi hành xong trên 52.166 tỷ đồng (tăng hơn 16.930 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021), đạt tỷ lệ 29,47%.

Một số địa phương đạt kết quả thi hành án cao về tiền là Hà Nam, Khánh Hòa, Phú Yên, Cao Bằng, Lai Châu.

Riêng việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Bộ Tư pháp cho biết, tổng số tiền thi hành trên 129.619 tỷ đồng. Các cơ quan đã thi hành án xong trên 49.838 tỷ đồng; còn phải thi hành hơn 79.781 tỷ đồng.

Trả lời đề xuất của TP Đà Nẵng về công tác kiểm tra, thanh tra đối với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức đấu giá tài sản thi hành án, Bộ Tư pháp nhấn mạnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt nội dung của Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án theo quy định.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, phúc tra kết quả kiểm tra việc bán đấu giá tài sản để thi hành án tại 6 địa phương là An Giang, Hà Nội, Bình Thuận, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang. Đồng thời thành lập 4 đoàn thanh tra tại tỉnh Lâm Đồng và TP Hà Nội. Dự kiến, trong năm 2022 sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra một số cơ quan thi hành án dân sự, trong đó có cơ quan thi hành án dân sự Đà Nẵng.

"Công tác kiểm tra, thanh tra đối với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức đấu giá tài sản thi hành án tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo qua từng năm, đã kịp thời phát hiện, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật. Trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được quan tâm, tăng cường, thanh tra, kiểm tra bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật" - Bộ Tư pháp cho hay.

Từ nay tới cuối năm 2022, cơ quan này sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo Chỉ thị số 04-CT/TW; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự.

Theo Thế Kha/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/con-gan-80000-ty-dong-chua-the-thu-hoi-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-20220801210936838.ht