Cập nhật: 03/08/2022 09:12:00
Xem cỡ chữ

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, Nghị định số 38/2022 của Chính phủ về việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 6%, tương ứng tăng từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành; đây không chỉ đơn thuần là triển khai thực hiện một quy định pháp luật, mà hơn thế là hài hòa lợi ích để phát triển doanh nghiệp, gắn với nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của công nhân lao động.

Cũng như nhiều lao động đang làm việc tại Công ty Cổ phần Giày Vĩnh Yên, chị Đỗ Thị Phương rất vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm của chủ sử dụng lao động khi được tăng lương tối thiểu vùng đợt này.

Công ty Cổ phần Giày Vĩnh Yên hiện có 2 cơ sở sản xuất tại thành phố Vĩnh Yên và huyện Tam Dương, tạo việc làm cho hơn 3.200 lao động, với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong bối cảnh cạnh tranh, khó tuyển dụng, ngoài tăng lương theo đúng nghị định 38/2022 của Chính phủ, doanh nghiệp đã có nhiều phúc lợi xã hội, quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 7.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 240.500 người. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Sở LĐTB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan chủ động triển khai, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định số 38/2022 tới chủ sử dụng lao động trong và ngoài khu công nghiệp để thực hiện đúng quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động.

Với tình hình giá cả hàng tiêu dùng biến động như hiện nay thì đời sống của công nhân lao động còn rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những người phải thuê nhà ở, hoặc nuôi con nhỏ. Chính vì vậy, việc được tăng lương tối thiểu vùng càng trở nên ý nghĩa, thiết thực, giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống./.

Nguyễn Toàn