Cập nhật: 07/08/2022 15:12:00
Xem cỡ chữ

Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ở miền Bắc, sốt xuất huyết thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 11 và phát triển mạnh nhất vào các tháng từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó, trong thời gian này, bên cạnh dịch bệnh Covid-19 thì các địa phương đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch chồng dịch.

Thôn Gia Phúc, xã Nguyệt Đức là nơi đã ghi nhận những trường hợp sốt xuất huyết đầu tiên trên địa bàn tỉnh trong năm nay. Theo nhận định, ổ dịch này nằm ở khu vực tiếp giáp với địa phậnThành phố Hà Nội, nhu cầu đi lại và giao thương của người dân lớn, đây cũng là nơi có địa hình rộng, cây cối rậm rạp chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Nhờ việc xử lý kịp thời, cho đến nay, những ca mắc sốt xuất huyết tại xã Nguyệt Đức đều đã điều trị khỏi và không lây lan dịch bệnh sang các khu vực lân cận. Tuy nhiên, công tác giám sát và tuyên truyền vẫn được chính quyền địa phương phối hợp với trạm y tế thực hiện thường xuyên, vận động người dân tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, khi có triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải khai báo với Trạm Y tế xã để được hỗ trợ kịp thời.

Nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn từ chính những khu vực chưa đảm bảo vệ sinh trong gia đình, nhiều người dân đã nêu cao tinh thần, chủ động trong việc phòng, chống sốt xuất huyết.

Theo ngành Y tế khuyến cáo, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nặng nề. Do đó, cùng với sự chủ động của các cơ quan chuyên môn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự phòng tránh bằng các biện pháp dự phòng như phun thuốc muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, sinh hoạt, không để sốt xuất huyết có điều kiện phát sinh, gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Phương Anh