Phát triển du lịch bền vững là yêu cầu và xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như ở mỗi địa phương. Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian qua, Vĩnh Phúc đã tăng cường đầu tư nguồn lực vào phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát, Vĩnh Phúc mở cửa ngành du lịch từ tháng 3/2022, đến tháng 7 năm nay, Vĩnh Phúc ước đón 5 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng, đạt 62% kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, du lịch Vĩnh Phúc đã có sự chuyển mình đáng ghi nhận. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đã chủ động xây dựng các chương trình giảm giá, kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ tốt nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời, khai thác có hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, xây dựng các khu du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế.
Với những tiềm năng sẵn có của ngành du lịch về cảnh quan và văn hóa, hằng năm Vĩnh Phúc đã thu hút số lượng lớn nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vào phát triển du lịch và đã đón hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng ngày càng đa dạng, phong phú hấp dẫn du khách.
Hiện nay, Vĩnh Phúc được đánh giá là “vùng đất vàng” cho phát triển du lịch. Trong kế hoạch phát triển, tỉnh đã đặt rõ mục tiêu phát triển mạnh ngành du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn, tăng nhanh tỷ trọng giá trị ngành du lịch và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển./.
Vũ Hằng