Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và thị xã Chơn Thành cũng như các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Đây là một trong những nội dung Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khai mạc chiều nay 9/8. Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua 2 dự thảo về việc thành lập các đơn vị hành chính nêu trên vào 11/8.
Theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của UBTVQH về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này sau khi thảo luận.
Liên quan nội dung giam sát, điểm nhấn chính là phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng.
Bộ trưởng Tô Lâm sẽ trả lời về công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại; công tác phòng, chống tội phạm, nhất là về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Bên cạnh đó là việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là người trả lời chính về việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch.
Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội cũng là vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn người đứng đầu ngành này.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2022./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/xem-xet-thanh-lap-thi-xa-chon-thanh-tinh-binh-phuoc-post961870.vov