Qua các đợt đặc xá là cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại những lỗi lầm mà họ đã phạm phải, tự mỗi người phải đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết để dứt bỏ quá khứ tội lỗi.
Sáng nay (1/9), theo Quyết định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 2.434 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 1 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù được đặc xá.
Nữ phạm nhân ra tù sẽ đón con ở trung tâm bảo trợ xã hội
Phạm nhân Lữ Thị Thiên, SN 1988, trú ở bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An – người dân tộc Khơ Mú được đề nghị đặc xá trong dịp này. Lữ Thị Thiên hiện đang thụ án tại Trại giam Hoàng Tiến (thuộc Cục C10- Bộ Công an) đóng tại Hải Dương.
Lữ Thị Thiên bị Công an Quảng Ninh bắt giữ với bản án 11 năm tù vì tội danh “mua bán người”. Đến nay, Thiên đã chấp hành án được gần 8 năm, đủ điều kiện được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá. Phạm nhân này có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, bản thân không biết chữ, nên khi có người rủ sang Trung Quốc lấy chồng, Thiên theo đi. Khi có con trai được gần 1 tuổi, Thiên câu kết với các đối tượng khác quay về quê lừa các phụ nữ sang Trung Quốc làm ăn, sau đó bán những người này lấy tiền tiêu xài.
Cán bộ Trại giam Hoàng Tiến phổ biến kiến thức pháp luật cho phạm nhân trước ngày đặc xá năm 2022.
Con còn nhỏ, gia đình lại thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên đứa con trai gần 1 tuổi của Thiên đành phải theo mẹ vào Trại. Sau thời gian thụ án tại Trại tạm giam Quảng Ninh, Thiên được thi hành án ở Trại giam Hoàng Tiến. Khi con đủ 36 tháng, gia đình không có ai đón về nên Trại giam Hoàng Tiến đã gửi cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội của TP Chí Linh. Đến nay, cháu đã học lớp 2. Chính vì vậy, đợt này được trở thành công dân tự do, có giấy tờ, được sống với con, Thiên rất mừng.
Phạm nhân này cho biết, mình đi khỏi địa phương sang Trung Quốc từ rất lâu nên không có giấy tờ tùy thân. Nay được Trại phối hợp với Công an Hải Dương làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip nên rất mừng: “Nếu không được cán bộ đến trại cấp CCCD thì tôi cũng chưa biết thủ tục thế nào, đến đâu để làm. Nữ phạm nhân này rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã tạo điều kiện cho những người lầm lỗi như mình”.
Niềm vui ngày trở về
Năm 2022, Trại giam Ninh Khánh - Ninh Bình đề nghị đặc xá cho 92 phạm nhân. Phạm nhân N.T.T (SN 1982, ở Hà Nội) là một trong sô đó. T phải chấp hành 8 năm tù giam về tội Mua bán trái phép chất ma túy.
Trước khi về cộng đồng các phạm nhân được phổ biến kiến thức pháp luật
T. cho biết, mình bị bắt năm 2015, khi đó cũng là lúc chị biết bản thân đang mang căn bệnh thế kỷ HIV do lây nhiễm qua chồng. Lúc bị bắt, con lớn mới 13 tuổi, con gái nhỏ 11 tuổi, mọi chi phí trong gia đình dồn lên vai người chồng bệnh tật với nghề phụ hồ. Tại trại giam Ninh Khánh, T. cho biết, mặc dù mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV, nhưng chị vẫn nhận được sự động viên từ cán bộ trại và phạm nhân cùng buồng giam. Đúng 7h tối hằng ngày, chị được cấp phát thuốc ARV đầy đủ nên sức khỏe tạm ổn.
Hôm nay, sau 5 năm chấp hành án, T. sẽ được trở về với gia đình. Phạm nhân T. cho biết, dù biết chồng là người lây bệnh cho mình, nhưng trong quá trình ở trại, mỗi lúc rảnh chị đọc rất nhiều sách về Phật giáo nên tư tưởng thoải mái hơn, không buồn và giận. Chỉ mong nhanh chóng được về nhà để cùng chồng chăm sóc hai con gái nhỏ.
Đại tá Trần Đức Phong, Giám thị Trại giam Ninh Khánh cho biết, để có danh sách 92 phạm nhân được đặc xá năm 2022, từng cán bộ chiến sỹ trong đội phải đối chiếu, rà roát trên 4.000 hồ sơ phạm nhân có đủ điều kiện. Sau đó, Hội đồng xét, đề nghị đặc xá của trại xem xét, quyết định việc lập danh sách, hồ sơ phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá năm 2022.
Hôm nay, sau 5 năm chấp hành án, T. được trở về với gia đình
Ngoài ra, đội làm đầy đủ thủ tục và cấp “giấy chứng nhận đặc xá” cho phạm nhân được đặc xá, thông báo bằng văn bản cho UBND xã - phường nơi phạm nhân được đặc xá về cư trú … Đặc biệt, phối hợp với Công an huyện Hoa Lư cấp căn cước công dân gắn chip cho các phạm nhân được đặc xá, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện các thủ tục hành chính và sẽ trao cho những người được đặc xá vào hôm nay 1/9. Ngoài ra, trại giam tổ chức xe đưa, đón, cấp các đồ dùng cần thiết cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật trở về địa phương nơi cư trú.
Qua các đợt đặc xá là cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại lỗi lầm
Đặc xá là chủ trương có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, kể từ năm 2009 đến nay, Nhà nước đã tiến hành 8 lần đặc xá với trên 90.000 phạm nhân. Qua thực tiễn cho thấy, tỷ lệ tái phạm tội là rất nhỏ, chỉ chiếm 1,18%. Ví như, năm 2021- năm đầu tiên thực hiện Luật Đặc xá năm 2018, đã có hơn 3.000 người được đặc xá, trong số này, chỉ có 2 người tái phạm, tỷ lệ rất thấp (0,06%), thể hiện kết quả tích cực trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân tại các cơ sở giam giữ.
Chính sách nhân đạo đó không chỉ dùng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tha tù tái hoà nhập cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những phạm nhần được đặc xá tha tù trở về nơi cư trú (gồm cả những phạm nhận được đặc xá và những phạm nhân hết hạn tù) sớm hoà nhập cộng đồng.
Điều này được thể hiện, tại các trại giam, trại tạm giam đã tổ chức các lớp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho số phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2022; tổ chức học nghề, học tập về kiến thức xã hội, pháp luật, kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân... Cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, các cấp không được phân biệt đối xử với những người được tha tù trong thực hiện các chính sách xã hội như: tạo công ăn việc làm, vay vốn để kinh doanh, sản xuất, xoá đói, giảm nghèo...
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ tịch Văn phòng Chủ tịch nước
Tại buổi họp báo công bố quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ tịch Văn phòng Chủ tịch nước khẳng định: "Việc tiếp nhận những phạm nhân được đặc xá nói riêng và những phạm nhân hết hạn tù nói chung về địa phương tái hoà nhập cộng đồng cần phải có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, của các gia đình có phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn, những phạm nhân hết hạn tù và phạm nhân được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù có đủ điều kiện được đặc xá, xoá bỏ phân biệt đối xử; cần giúp đỡ, tạo điều kiện để họ không bị mặc cảm và có điều kiện, cơ hội làm ăn như những người bình thường khác".
Ông Phạm Thanh Hà khẳng định, thực tiễn cho thấy, qua các đợt đặc xá là cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại lỗi lầm họ đã phạm phải, tự mỗi người phải đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết để dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu để trở thành công dân có ích cho xã hội. Đồng thời, qua báo cáo của Bộ Công an, tuyệt đại đa số những phạm nhân được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái lập cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng. Trong đó, có nhiều người đã có cuộc sống ổn định, có người thành đạt và tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động của xã hội, được ghi nhận./.
Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/hon-2400-pham-nhan-duoc-dac-xa-va-co-hoi-dut-bo-qua-khu-toi-loi-post966987.vov