Cập nhật: 12/09/2022 09:06:00
Xem cỡ chữ

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát vào đầu tháng 3 năm nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp huy động vốn, mở rộng tín dụng an toàn và hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu và các chương trình, chính sách tín dụng của địa phương.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận là đến hết tháng 8/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh ước đạt 114.500 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cuối năm 2021. Điểm nhấn là nguồn tín dụng cho vay tiếp tục tập trung ưu tiên các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đến 31/8/2022 ước đạt 95.000 tỷ đồng, trong đó, riêng tiền gửi tiết kiệm ước đạt 66.000 tỷ đồng, tăng 4,58% so với cuối năm 2021. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhận vốn điều hoà từ hội sở chính để tăng nguồn, bù đắp thanh khoản, đáp ứng các nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Những tháng cuối năm, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc tiếp tục cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán… góp phần ổn định và phát triển kinh tế địa phương./.

Vũ Hằng