Cập nhật: 14/09/2022 15:02:00
Xem cỡ chữ

Sau Tết Trung thu, sáng sớm, sinh hoạt rút kinh nghiệm ban tổ chức đêm hội trăng rằm của thôn, ông Phát, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn không khách khí nói ngay:

- Tôi thấy, anh Sơn cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Tôi không đồng ý với cách tổ chức năm nay. Ngay từ đầu, tôi đã nói rồi, chúng ta cần phải để các cháu được tự tay làm đèn ông sao, đèn lồng; để các cháu trông trăng, phá cỗ... chứ không phải phát cho mỗi cháu một cái đèn điện xanh đỏ, tím vàng nhấp nháy, trao mỗi cháu một cái phong bì rồi để các cháu thi hát karaoke dăm bài thiếu nhi là hết chuyện.

Anh Sơn, Bí thư chi đoàn thôn phân trần:

- Thưa bác, cháu thấy chúng cháu có làm có gì sai đâu ạ. Năm nay, chúng cháu đã vận động được doanh nghiệp tài trợ nên mua đèn lồng điện tử cho tất cả các con trong xóm, tặng quà bằng tiền mặt. Chúng cháu để ý, bọn trẻ cũng háo hức mà bác.

Đừng xa rời văn hóa truyền thống tốt đẹp

Ảnh minh họa / qdnd.vn 

- Tôi không chê chuyện các anh đi vận động ủng hộ để các cháu có thêm những món quà. Thế nhưng, các hoạt động tổ chức trong Tết Trung thu, đặc biệt là đêm trăng rằm cần ý nghĩa và gắn với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chứ không nên xa rời truyền thống như vậy.

- Thưa bác, cháu nghĩ, văn hóa gì thì cũng là để các em nhỏ vui vẻ. Chỉ là chúng cháu thay đổi cách làm mới hơn để thiếu niên, nhi đồng tiếp cận với văn minh hơn. Thay vì đèn làm bằng tre, nứa, giấy, thắp nến dễ cháy thì chúng cháu dùng đèn điện nhập ngoại, vừa rẻ vừa đẹp. Rồi buổi tối chúng cháu tổ chức cho các bạn nhỏ hát ca, vui văn hóa, văn nghệ mà bác.

Chủ trì cuộc họp, nghe câu chuyện của ông Phát và anh Sơn, Trưởng thôn Trần Duy Hưng cắt lời cậu bí thư chi đoàn:

- Anh Sơn phải suy nghĩ lại đi. Bác Phát nói đúng đấy! Dù là nên đổi mới phương pháp, cách làm cho sinh động nhưng cốt lõi là giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết Trung thu cũng không thể thay đổi, không được phép mất đi. Khi đồng ý cho các anh tổ chức Trung thu cho các cháu, tôi tin tưởng giao việc nên không yêu cầu báo cáo rõ. Giờ việc đã rồi, tôi yêu cầu anh cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

- Thưa bác, cháu hiểu rồi ạ. Chúng cháu không nghĩ việc nghiêm trọng đến thế. Chúng cháu muốn công tác tổ chức gọn nhẹ, các em nhỏ được vui nên làm như vậy mà không ý thức được hậu quả. Cháu sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm tổ chức các chương trình sau này ạ.

Ông Phát ôn tồn:

- Cháu hiểu ra là tốt rồi. Sơn ạ, việc tiếp thu những tri thức, văn minh, văn hóa mới là cần thiết. Thế nhưng, cùng với đó phải luôn ý thức giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc. Từ các hoạt động thường ngày đến các dịp lễ, tết, chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục cho con em mình hiểu biết, giữ gìn và được sống trong không gian văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với Trung thu, phải là đèn ông sao, đèn lồng, phải là bánh trung thu, mâm ngũ quả, phải rước đèn, phá cỗ, trông trăng... Nếu chú trọng vào vật chất mà xa rời hay làm phai nhạt giá trị văn hóa dân tộc là chính chúng ta đang tự diễn biến, tự chuyển hóa đấy.

Theo  TRẦN ANH/qdnd.vn  

https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/dung-xa-roi-van-hoa-truyen-thong-tot-dep-705337