Cập nhật: 27/09/2022 07:38:00
Xem cỡ chữ

Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công đang tăng tốc từ đầu tháng 9 nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng rất chậm, có nguy cơ không đạt kế hoạch giải ngân 100% vốn được giao trong năm 2022.

Xây dựng công trình giao thông vốn đầu tư công tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh CÔNG TƯỜNG)

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được tổ chức sáng 26/9, Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương cho biết, giải ngân vốn đầu tư công đã có sự thay đổi đáng ghi nhận, phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của hoạt động đầu tư là: đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.

Chưa đạt như kỳ vọng

Thứ trưởng Trần Quốc Phương dẫn chứng: kết thúc tám tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng đến cuối tháng 9, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực khi đạt tỷ lệ 46,7% (tương ứng hơn 253.148 tỷ đồng). So cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân chín tháng năm 2022 giảm nhẹ (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%) nhưng số tuyệt đối giải ngân cao hơn 34.597 tỷ đồng, tăng khoảng 16%. Riêng vốn ngân sách Trung ương giải ngân cao hơn cùng kỳ cả về số tuyệt đối và về tỷ lệ giải ngân.

Tuy nhiên, tính chung chín tháng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước chưa được như kỳ vọng; hiện chỉ có hai cơ quan Trung ương và 10 địa phương giải ngân đạt hơn 70% kế hoạch; 39/51 bộ, ngành và 22/63 địa phương giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 14 bộ, ngành và một địa phương giải ngân dưới 20% kế hoạch.

Nhận diện nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chỉ rõ khoảng 25 loại tồn tại, khó khăn, vướng mắc chia thành ba nhóm chính. Ðó là nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách với những khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên, môi trường; lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công. Nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện bao gồm công tác lập kế hoạch đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục"; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thật sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Bên cạnh đó là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021, các bộ, ngành, địa phương cần từ 6-8 tháng hoàn tất thủ tục cho dự án khởi công mới cho nên tiến độ giải ngân vốn chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng trong khi một số nơi chưa cập nhật kịp thời sát giá thị trường, dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng. Trong các nhóm nguyên nhân trên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề nghị các đơn vị chậm giải ngân cần nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.

Đến nay vẫn có 11 bộ, ngành và năm địa phương chưa giao hết kế hoạch vốn, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt khiến nhiều dự án vay vốn ODA có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức chung trong khi vẫn phải trả các loại chi phí vay vốn, nên một số bộ, ngành xin trả lại vốn ODA.

Thứ trưởng Tài chính Tạ Anh Tuấn

Nhấn mạnh đến nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện, Thứ trưởng Tài chính Tạ Anh Tuấn lưu ý, đến nay vẫn có 11 bộ, ngành và năm địa phương chưa giao hết kế hoạch vốn, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt khiến nhiều dự án vay vốn ODA có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức chung trong khi vẫn phải trả các loại chi phí vay vốn, nên một số bộ, ngành xin trả lại vốn ODA. Nhiều địa phương công bố chỉ số giá xây dựng chưa sát thị trường khiến nhà thầu chậm triển khai dự án; có tình trạng thanh toán hợp đồng chậm trễ giữa chủ đầu tư và nhà thầu... Ðể khắc phục, đại diện Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần giao vốn sớm với mức giao cao hơn hoặc bằng kế hoạch Thủ tướng giao; chủ động điều chỉnh kế hoạch; kịp thời thông báo giá nguyên, nhiên, vật liệu để đẩy mạnh tiến độ giải ngân những tháng cuối năm.

Liên quan tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư lo ngại khó hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch năm 2022 vì hiện vẫn còn 39/52 địa phương đang lựa chọn, phê duyệt dự án, chưa thực hiện và giải ngân vốn. Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung, việc triển khai 3 chương trình là một bộ phận quan trọng của giải ngân đầu tư công, qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế, an sinh, an ninh và an dân; tuy nhiên, tiến độ giải ngân mới đạt 1,27% kế hoạch vốn năm 2022 (34 nghìn tỷ đồng) là khó chấp nhận.

Những ngày vừa qua, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, đồng bào rất khát khao chờ tiền hỗ trợ, chờ dự án được phân bổ... Người dân khát khao, Trung ương đốc thúc nhưng cấp cơ sở vẫn thờ ơ. Vậy kỷ cương ở đâu, nguyên tắc ở đâu?

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung

"Những ngày vừa qua, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, đồng bào rất khát khao chờ tiền hỗ trợ, chờ dự án được phân bổ. Về thể chế đã cơ bản hoàn thành, các cấp đã ban hành 118 văn bản để triển khai các chương trình là sự cố gắng rất lớn nhưng địa phương phân bổ, giao kế hoạch vốn rất chậm. Cá biệt, có tỉnh còn chưa giao kế hoạch. Người dân khát khao, Trung ương đốc thúc nhưng cấp cơ sở vẫn thờ ơ. Vậy kỷ cương ở đâu, nguyên tắc ở đâu?", Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung bức xúc.

Quyết tâm từ các địa phương

Tại hội nghị, ý kiến phát biểu của một số lãnh đạo địa phương đã nhìn nhận thẳng thắng nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, đồng thời đưa ra một số giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng này. Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, cho biết, đến nay, số vốn giải ngân từ nguồn ngân sách trung ương của thành phố mới là 91 tỷ đồng, đạt 3,6% kế hoạch. Thành phố đã thành lập các tổ công tác chuyên đề để thúc đẩy giải ngân; phối hợp với từng chủ đầu tư, dự án lên kế hoạch giải ngân từ nay đến cuối năm; đồng thời xác định các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Ðến nay, thành phố đã gỡ được nhiều vướng mắc, nhiều dự án, hy vọng đến tháng 11 hoặc 12 sẽ đạt kế hoạch giải ngân đã đề ra. Xác định công tác có nhiều khó khăn, phức tạp là giải phóng mặt bằng, vì vậy, thành phố đã thành lập một tổ công tác chuyên giải quyết vấn đề này và vừa qua, vấn đề giải phóng mặt bằng một số dự án giao thông trên địa bàn đã được thực hiện tốt; hy vọng, đến hết tháng 10 cơ bản tháo gỡ hơn 90% mặt bằng cho các dự án.

Về vấn đề giá vật liệu, nhân công tăng cao thời gian qua, ảnh hưởng dự án, thành phố đã gặp gỡ, làm việc với từng nhà thầu để tìm giải pháp tháo gỡ và đến nay, vấn đề này cơ bản đang được giải quyết. Thời gian tới, thành phố tập trung làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư từng dự án; rà soát, tăng cường giao ban định kỳ; thực hiện điều chuyển vốn các dự án; dự kiến tháng 10 tới, HÐND thành phố có phiên họp chuyên đề giải quyết vấn đề này...

Trong khi đó, thành phố Hà Nội xác định các khó khăn, vướng mắc là "điểm nghẽn" gồm: khó khăn trong giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, giá đất mà người dân chưa đồng thuận, là khó khăn tồn tại nhiều năm; tháo gỡ khó khăn về các mỏ, nguồn nguyên vật liệu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đang tăng cao, dẫn đến các nhà thầu thi công cầm chừng chờ hướng dẫn điều chỉnh; vướng mắc ở các dự án ODA; việc hoàn thiện thủ tục gặp khó khăn, nhất là quy định chuyên ngành.

Hiện nay, Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Hà Nội có nhiều giải pháp chỉ đạo tập trung, đó là, thông qua Ðề án phân cấp quản lý nhà nước và ủy quyền trên địa bàn, trong đó dự kiến phân cấp ủy quyền 634 thủ tục hành chính (chiếm 35% tổng số thủ tục hành chính) nhằm giảm đầu mối, tầng nấc, tăng tính chủ động cho cơ sở; yêu cầu các chủ đầu tư căn cứ năng lực hiện có, có văn bản cam kết giải ngân hết năm 2022, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân hơn 93% số vốn được giao; tập trung triển khai giải pháp đề ra từ đầu năm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên giao ban, đôn đốc các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, tập trung vào các dự án trọng điểm, những vướng mắc lớn liên quan thủ tục và giải phóng mặt bằng, biến động giá...

Không điều chỉnh giảm vốn

Ðể tăng tốc giải ngân những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất 8 nhóm giải pháp quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các bộ, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2022 vì hiện không có đơn vị nào đề nghị bổ sung vốn nên không thể thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật Ðầu tư công; đồng thời tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi theo quy định tại Nghị quyết số 124/NQ-CP. Thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án; kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ.

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; rà soát, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023.

Ðối với các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ kiến nghị cơ quan chủ dự án khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ, giải pháp hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một số nội dung, dự án thuộc thẩm quyền được giao; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư công; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai thực hiện và giải ngân ngay từ đầu năm 2023, không để chậm trễ ■

Theo Nhóm phóng viên kinh tế/nhandan.vn  

 https://nhandan.vn/can-giai-phap-dot-pha-thuc-day-dau-tu-cong-post716971.html