Cập nhật: 01/10/2022 07:50:00
Xem cỡ chữ

Theo doanh nhân Đỗ Cao Bảo, để lọt vào G20, chúng ta cần rất nhiều nỗ lực và rất nhiều việc phải làm cũng như rất nhiều thay đổi tự làm mới mình, nhưng ông tin rằng nhất định chúng ta sẽ đạt được.

Vâng, chỉ 14 năm nữa (năm 2036), với tổng GDP quốc gia là 1.579 tỷ USD (tính theo current prices), Việt Nam chúng ta sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới (lọt vào nhóm G20), theo dự báo của CEBR, một tổ chức có trụ sở ở London (Anh), có kinh nghiệm 25 năm trong lĩnh vực dự báo và phân tích kinh tế độc lập trong đó có kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô.

Theo dự báo của CEBR, nền kinh tế Việt Nam sẽ lần lượt tăng từ hạng 36 (năm 2022) lên hạng 30 (năm 2026), hạng 24 (2031) và hạng 20 vào năm 2036, khi này trong khu vực ASEAN, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 sau Indonesia (thứ 8), tiếp sau Việt Nam lần lượt là Thái Lan (thứ 22), Philippines (thứ 25), Malaysia (thứ 34), Singapore (thứ 41), Myanmar (thứ 87), Cambodia (thứ 95), Lào (thứ 101), Brunei (thứ 136), Timor Leste (thứ 165).

Năm 2036, Việt Nam sẽ lọt vào 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - 1

 (Nguồn: CEBR).

Đứng sau Việt Nam có một loạt các nước châu Âu theo thứ tự sau: Ba Lan (thứ 21), Thụy Sĩ (thứ 23), Ireland (thứ 28), Áo (thứ 29), Thụy Điển (thứ 30), Bỉ (thứ 31), Israel (thứ 32), Rumania (thứ 36), Na Uy (thứ 39), Đan Mạch (thứ 43), Czech (thứ 46), Phần Lan (thứ 52), Bồ Đào Nha (thứ 55), Hungary (thứ 56), Hy Lạp (thứ 58).

Việt Nam cũng đứng trên tất cả các quốc gia Nam Mỹ (trừ Brazil và Mexico), đứng trên tất cả các quốc gia Trung Đông, Nam Á (trừ Ấn Độ và Saudi Arabia) và tất nhiên đứng trên tất cả các quốc gia châu Phi (bao gồm cả Nam Phi).

Như vậy tính từ năm 2021 đến năm 2036 (15 năm) Việt Nam thăng 21 hạng từ hạng 41 lên hạng 20 thế giới, còn nếu tính từ 2006 (30 năm) Việt Nam sẽ thăng 36 hạng từ hạng 56 lên hạng 20 thế giới. Quả là những bước tiến thần kỳ.

Theo CEBR, các nền kinh tế châu Á sẽ nổi lên nhanh chóng về quy mô, khiến các nền kinh tế phương Tây bị tụt lại phía sau, đến năm 2031 Trung Quốc chính thức vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và châu Á sẽ chiếm 3 trong top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản). CEBR còn dự báo sang nửa sau của thế kỷ 21, Ấn Độ cũng vượt qua Mỹ đẩy Mỹ xuống vị trí thứ 3 thế giới, còn Indonesia (thứ 8) và Nga (thứ 10) sẽ đẩy Canada và Italy ra khỏi top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Để đạt được như dự báo của CEBR, để Việt Nam được tham dự các cuộc họp bàn tròn các nguyên thủ quốc gia G20 hàng năm, tôi nghĩ rằng Việt Nam chúng ra cần rất nhiều nỗ lực và rất nhiều việc phải làm cũng như rất nhiều thay đổi tự làm mới mình, nhưng tôi tin rằng nhất định chúng ta sẽ đạt được.

Ông Đỗ Cao Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT. Hiện ông Bảo là Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần FPT.

Theo Đỗ Cao Bảo/Fica.vn/ dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nam-2036-viet-nam-se-lot-vao-20-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-20220930174050401.htm