Cập nhật: 08/10/2022 07:33:00
Xem cỡ chữ

Phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản hiện được đánh giá là nguồn tài nguyên tái tạo, giữ vai trò đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, một khối lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp tại Việt Nam chưa được sử dụng hợp lý và hiệu quả.

Phụ phẩm trong ngành thủy sản là rất lớn, nếu sử dụng hiệu quả sẽ đem lại giá trị kinh tế cao.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong lĩnh vực trồng trọt hằng năm ước tính có khoảng 45 triệu tấn rơm khô, 8 triệu tấn trấu, 30 triệu-50 triệu tấn phụ phẩm thực vật khác (lạc, ngô, đậu tương, sắn, mía, cà-phê…), trong đó có tới 61% là hữu cơ có thể tái chế được. Khối lượng phụ phẩm này hầu hết là xác hữu cơ như: thân, lá, vỏ, hạt, lõi…, đều chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt, có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất. Tuy nhiên, nguồn phụ phẩm từ trồng trọt hiện đang được sử dụng chưa hợp lý.

Theo đó, chủ yếu là đốt tại ruộng (chiếm 45,9%), làm thức ăn cho gia súc (chiếm 29,0%), bỏ lại tại ruộng (chiếm 8,6%), ủ phân (chiếm 5,0%), sử dụng cho trồng trọt (chiếm 4,1%), còn lại 7% được sử dụng cho các mục đích khác (củi trấu, nấm, độn chuồng...). Riêng với việc đốt bỏ rơm rạ tại ruộng, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong khi đó, thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng phát triển, nếu biết tận dụng thì người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm tiền bán rơm.

Ðối với phụ phẩm trái cây như hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng, có thể tái sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng ngay tại chính những vườn xoài, thanh long, dưa hấu… nhưng hiện đang bị bỏ đi, thậm chí không xử lý tốt còn gây ô nhiễm môi trường. Ðây được đánh giá là lãng phí trong khi nền nông nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về phân bón.

Trong lĩnh vực thủy sản, thống kê cho thấy, phụ phẩm từ chế biến thủy sản hiện có khoảng 1 triệu tấn (chiếm 15%-20% tổng sản lượng thủy sản chế biến). Trong đó, chế biến phi lê cá tra thì có tới 60%-70% là phụ phẩm; tôm phụ phẩm chiếm 35%-45% tổng khối lượng tôm nguyên liệu... Các phụ phẩm thủy sản có thể được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen hay một số thực phẩm ăn liền... Do đó, giá trị từ nguồn phụ phẩm chế biến thủy sản có thể là nguồn thu đáng kể cho ngành thủy sản nếu tận dụng hiệu quả.

Giám đốc Ðiều hành Công ty CP Việt Nam Food Phan Thanh Lộc cho biết: Trong các chất thải thủy sản, đầu, vỏ tôm là khó xử lý và dễ gây ô nhiễm nhất, nhưng cũng là nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất. Từ đầu, vỏ tôm có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau phục vụ nhiều ngành công nghiệp với giá trị gia tăng rất cao; đồng thời, ngành phụ phẩm tôm góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường từ chất thải ngành tôm.

Ngoài ra, có thể sử dụng công nghệ để biến các nguồn dinh dưỡng thải bỏ thành các giá trị mới cho xã hội. Thí dụ, tận dụng đạm tôm để làm nguyên liệu thực phẩm sử dụng cho con người và nguyên liệu trong chăn nuôi, góp phần hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, các sản phẩm Chitosan và Astaxanthin chế biến từ phụ phẩm tôm còn đem đến giải pháp xanh và hiệu quả thay thế hóa chất, thuốc kháng sinh, phù hợp xu hướng tiêu dùng bền vững của xã hội.

Hiện tại, Công ty CP Việt Nam Food có hai nhà máy đã nghiên cứu chế biến đầu, vỏ tôm tạo ra các dòng sản phẩm: Chitin, Chitosan, bột muối tôm… dùng làm dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, đạm thủy phân và phân bón hữu cơ.

Ðối với lĩnh vực trồng trọt, theo TS Trịnh Quang Khương (Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long), với lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn, cần đẩy mạnh nghiên cứu phân hủy rơm rạ thành phân hữu cơ. Cách làm này đã được ứng dụng vào sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, được các chuyên gia nông nghiệp và bà con nông dân đánh giá cao. Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước được xử lý sẽ đem lại một lượng lớn phân bón hữu cơ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy bón liên tục phân hữu cơ rơm rạ ở mức 6 tấn/ha và bón phối hợp 60% phân NPK hóa học theo khuyến cáo thì năng suất lúa cao hơn so với bón 100% phân NPK hóa học. Như vậy, nguồn phân hữu cơ rơm rạ nếu được bón dài hạn qua nhiều năm giúp giảm được từ 40% đến 60% phân NPK hóa học theo mức khuyến cáo và cho năng suất lúa tương đương.

Theo TIẾN ANH/nhandan.vn

 https://nhandan.vn/su-dung-hieu-qua-phu-pham-nong-nghiep-post718815.html