Việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú luôn là vấn đề được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện nghiêm với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, giúp học sinh phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực.
Để thực hiện các hoạt động bán trú đạt hiệu quả, Trường Mầm non Hoàng Hoa, huyện Tam Dương đã thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên và các phòng học, đặc biệt là khu vực bếp ăn, đồ dùng bán trú của trẻ; thực hiện tốt quy trình bếp ăn một chiều. Ngay từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào, nhà trường đã thành lập Tổ giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm soát thực phẩm đầu vào, thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tươi ngon, không ôi thiu, dập nát trước khi chế biến món ăn.
Tại Trường Mầm non Bản Giản, huyện Lập Thạch công tác tổ chức bán trú cho trẻ được nhà trường ký kết với đơn vị, công ty cung cấp suất ăn bán trú có uy tín trên địa bàn tổ chức nấu ăn tại trường dưới sự giám sát của Ban Giám hiệu nhà trường và phụ huynh. Thực hiện tốt công tác kiểm thực 3 bước theo quy trình từ khâu tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến đến chia suất ăn cho các em học sinh. Thực đơn của học sinh được thay đổi theo từng ngày đảm bảo ngon mắt, ngon miệng và đủ dinh dưỡng cho các em.
Toàn tỉnh hiện có hơn 300 trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú, tập trung chủ yếu ở bậc Tiểu học và Mầm non. Đa phần các trường học tổ chức ăn bán trú trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng với các đơn vị, công ty cung ứng thực phẩm, tuy nhiên, việc kiểm tra của các trường cũng chỉ dừng lại ở khâu hợp đồng, giấy phép kinh doanh, hóa đơn để kiểm chứng thực phẩm và chỉ dừng lại ở hình thức cảm quan bằng mắt thường mà chưa có máy móc, hay phương tiện chuyên sâu nào hỗ trợ. Vì vậy, rất cần có sự phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan chức năng và nhà trường, phụ huynh trong công tác tổ chức ăn bán trú, đảm bảo chất lượng bữa ăn của học sinh tại trường./.
Thu Hoài