Ngày 12/10, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã triển khai tháng cao điểm tăng cường lực lượng, phương tiện phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: Thời gian qua, công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển về khai thác thủy sản bất hợp pháp được lực lượng Cảnh sát biển (CSB) triển khai quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cảnh sát biển đã tổ chức tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các quy định về phòng, chống khai thác IUU cho 2.804 tàu cá Việt Nam (trực tiếp trên biển 1316 tàu, qua máy liên lạc nghề cá 896 tàu) phát khoảng 84.820 tờ rơi, 23.439 cờ Tổ quốc, 10.934 cuốn sách pháp luật, 25 túi thuốc cứu thương, 2.582 suất quà trị giá 500.000 - 1.000.000 đồng/suất, 207 xe đạp, 370 áo phao các loại, 90 cặp sách... cho các hộ ngư dân nghèo, gia đình chính sách và các em học sinh giỏi vượt khó trên địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển.
Lực lượng CSB thường xuyên duy trì từ 13 - 15 tàu thực hiện nhiệm vụ trực, tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU trên các vùng biển. Trong đó duy trì thường xuyên 7 tàu (2 tàu CSB, 5 tàu kiểm ngư) vùng biển giáp ranh với các nước Malaysia, Thái Lan, Campuchia.
Chín tháng đầu năm 2022, toàn lực lượng tổ chức tuần tra kiểm soát, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về IUU 49 vụ với 50 tàu, tổng số tiền phạt gần 670 triệu đồng (giảm 95 vụ với 87 tàu so với cùng kỳ năm 2021). Theo dõi, thống kê 71 vụ với 110 tàu cá Việt Nam bị các lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử phạt (giảm 40 vụ với 78 tàu so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể: Malaysia 36 vụ với 58 tàu, Campuchia 16 vụ với 22 tàu; Thái Lan 14 vụ với 20 tàu; Indonesia 5 vụ với 10 tàu.
Phát biểu triển khai tháng cao điểm phòng chống IUU, đại tá Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển cho rằng: Thời gian qua lực lượng CSB đã triển khai có hiệu quả phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhất là công tác tuyên truyền, vận động ngư dân, làm việc với các địa phương nên tình hình vi phạm IUU đã giảm xuống. Tuy nhiên để triển khai quyết liệt vấn đề này, Cục nghiệp vụ và pháp luật (BTL CSB) cần nhanh chóng thành lập tổ công tác xuống các tỉnh ven biển tiếp tục phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an điều tra, xử lý những trường hợp môi giới tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm IUU.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo nhấn mạnh, triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU, trọng tâm là ngăn chặn tàu cá ngư dân ta xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ triển khai các tổ, đội, nhóm xuống cơ sở tăng cường tuyên truyền, trọng tâm tuyên truyền các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng, tàu cá có nguy cơ vi phạm cao. Tăng cường thêm lực lượng cảnh sát viên trên tàu kiểm ngư, để xử lý vi phạm khai thác IUU.
Theo lực lượng CSB, hiện nay qua phối hợp điều tra cơ bản, cả nước có khoảng 7.688 tàu cá có nguy cơ vi phạm cao, tập trung ở các tỉnh từ Bình Định trở vào; khi phát hiện tàu cá Việt Nam vượt ranh giới biển, kêu gọi quay trở lại vùng biển Việt Nam, đồng thời thông báo ngay cho địa phương để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật đấu tranh làm rõ.
Chỉ đạo các lực lượng trên thực địa phối hợp chặt chẽ các lực lượng hiệp đồng, cơ quan chức năng quản lý, giám sát, theo dõi chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, tàu cá tắt, tháo thiết bị giám sát hành trình trên biển, chỉ đạo các Tổ tuần tra kiểm soát; tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU. BTL CSB sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm giữa đợt cao điểm chống khai thác IUU và triển khai những biện pháp cấp bách ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Kết luận hội nghị, Thiếu tướng Lê Quang Đạo nhấn mạnh: Trong thời gian tới, đặc biệt là tháng cao điểm phòng chống IUU, tập trung giải quyết thực trạng tàu cá các địa phương vi phạm IUU bị nước ngoài bắt giữ, xử lý ngay từ cơ sở, từ “gốc rễ” của vấn đề. Kiến nghị với các địa phương quản lý chặt chẽ đội tàu từ xã, phường, gắn với tuyên truyền vận động chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, phòng, chống khai thác IUU đến từng cán bộ, từng người dân một cách hiệu quả, thường xuyên. Cấp cơ sở xã, phường, thị trấn phải là lực lượng nòng cốt, chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật.
Lực lượng CSB chủ trì tiếp tục phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động, đến quản lý, giám sát và chế tài xử lý. Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền từ khâu đăng ký, hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, thời gian hoạt động, ra, vào cảng, nhân công lao động trên tàu cá. Kiểm soát sản lượng qua cảng, thực hiện chứng nhận, xác nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định. Xây dựng ban hành cơ chế cấm khai thác thủy sản theo vùng, theo mùa… để duy trì và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Tin, ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/canh-sat-bien-trien-khai-thang-cao-diem-phong-chong-iuu-20221012140403284.htm