10 DN, đơn vị làm du lịch, cơ sở kinh doanh quà lưu niệm tại Đắk Lắk đã ký cam kết không buôn bán ngà voi và các sản phẩm khác từ voi; khuyến khích du khách không mua ngà voi và các sản phẩm từ voi.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thông tin về công tác kiểm tra, quản lý động vật hoang dã và xử lý vi phạm liên quan đến ngà voi tại Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Ngày 25/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp du lịch chung tay quảng bá hình ảnh Đắk Lắk - Điểm đến thân thiện với voi."
Tại tọa đàm, các đại biểu đã được thông tin về những quy định của pháp luật liên quan đến ngà voi; công tác kiểm tra, quản lý động vật hoang dã và xử lý vi phạm liên quan đến ngà voi tại Đắk Lắk, khuyến nghị đối với các cơ sở kinh doanh.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, tất cả các loài voi đều được bảo vệ. Hành vi quảng bá, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm từ ngà voi, lông voi đều bị xử lý nghiêm.
Tại Việt Nam, tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất là 15 tỷ đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù cao nhất lên đến 15 năm (Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiên quyết chấm dứt tình trạng buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ voi.
Từ năm 2018 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp bắt giữ, xử lý 144 vụ vi phạm các quy định về săn bắn, mua bán trái phép động vật rừng, tịch thu 205 cá thể, tổng trọng lượng 1.040kg.
Trong 6 tháng năm 2022, tổng số tiền thu được từ xử phạt hành chính các vi phạm về ngà voi là hơn 2 tỷ đồng.
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Tại buổi tọa đàm, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã trao đổi về vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ voi, ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến ngà voi.
Đa số đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay không chỉ du khách, những người làm du lịch, các cơ sở kinh doanh sản phẩm du lịch chưa nắm rõ quy định, chế tài xử lý vi phạm liên quan đến buôn bán, sử dụng động vật hoang dã, trong đó có ngà voi và các sản phẩm từ voi.
Theo ông Đặng Xuân Vũ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch DakViet, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hơn những quy định của pháp luật về hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán, sử dụng động vật hoang dã.
Tỉnh cần chú trọng đến hiệu quả của công tác truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã, tầm quan trọng của du lịch thân thiện với voi.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, các doanh nghiệp làm du lịch sẽ là những đại sứ tích cực đưa Đắk Lắk hướng tới ngành du lịch xanh, du lịch thân thiện với loài voi nói riêng, động vật hoang dã nói chung.
Tỉnh cần có lộ trình lâu dài để nâng cao nhận thức của các đơn vị làm du lịch trong việc tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến ngà voi, nỗ lực thực hiện du lịch thân thiện với voi.
Trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình, như vùng an toàn đối với voi, tổ chức nhiều hoạt động triển lãm cộng đồng về bảo vệ đàn voi.
Dịp này, 10 doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch, cơ sở kinh doanh quà lưu niệm trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết không buôn bán ngà voi và các sản phẩm khác từ voi; khuyến khích du khách không mua ngà voi và các sản phẩm khác từ voi; nỗ lực quảng bá hình ảnh Đắk Lắk là điểm đến thân thiện với voi./.
Theo Hoài Thu (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/quang-ba-hinh-anh-dak-lak-diem-den-than-thien-voi-voi/825557.vnp