Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp diễn ra, cả chính quyền Tổng thống Joe Biden lẫn chính quyền Tổng thống Zelensky đều lo ngại các kênh hỗ trợ dành cho Ukraine có thể sụt giảm.
Xung đột Ukraine đã gây ra nhiều tác động đối với các nền kinh tế, khiến giá năng lượng tăng vọt và khiến nhiều cử tri Mỹ bị tổn thương. Các cuộc thăm dò dư luận thời gian gần đây cho thấy, sự ủng hộ của người Mỹ đối với Ukraine đang suy yếu dần, đặc biệt là cử tri Cộng hòa.
Sự ủng hộ của chính quyền Biden dành cho Ukraine có thể giảm sút khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đến gần. Ảnh: AP
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ và phương Tây đã cung cấp một lượng lớn khí tài quân sự cho Ukraine, cùng với nhiều khoản viện trợ tài chính và nhân đạo. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, số lượng cử tri Cộng hòa cho rằng Mỹ đang cung cấp viện trợ quá nhiều viện trợ Ukraine đã gia tăng từ 9% vào tháng 3 lến đến 32% trong tháng 9/2922. Khi nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, phe Cộng hòa đã viện dẫn những lo ngại về kinh tế trong nước để cản trở các nỗ lực của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ trong việc viện trợ Ukraine.
Sự chia rẽ trong đảng Cộng hòa
Mặc dù nhiều thành viên có ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ Ukraine, nhưng những người khác liên kết với phong trào đảng Trà (Tea Party) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng phản đối. Sự chia rẽ này cũng được phản ánh trong mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và Lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy về vấn đề viện trợ Ukraine.
Vào tháng 5 vừa qua, 57 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu phản đối gói viện trợ 40 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine. Đến giữa tháng 10, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện McCarthy cảnh báo rằng Mỹ “sẽ không viết séc trắng cho Ukraine”. Nếu kết quả các cuộc thăm dò tại Hạ viện Mỹ trước bầu cử là chính xác, các gói viện trợ trong tương lai cho Ukraine sẽ vấp phải trở ngại lớn hơn khi đưa ra trước Quốc hội.
Mối lo kinh tế của đảng Dân chủ
Theo kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew, sự ủng hộ của đảng Dân chủ đối với Ukraine cũng đang sụt giảm khi mối lo ngại đối với nền kinh tế, tranh cãi về đạo luật cấm nạo phá thai và các vấn đề khác gia tăng.
Một cuộc thăm dò khác của Trung tâm nghiên cứu Pew từ tháng 10 cho thấy, kinh tế là mối quan tâm hàng đầu đối với các cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Lời giải thích của Tổng thống Biden cho rằng lạm phát gia tăng là do “Nga cố tình đẩy giá xăng dầu” dường như không có sức thuyết phục đối với cử tri. Trái lại, một số người cho rằng các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Nga và sự ủng hộ của nước này dành cho Kiev là một trong những nguyên nhân gây tổn thương nền kinh tế.
Vào ngày 24/10, 30 thành viên của nhóm cấp tiến tại Hạ viện Mỹ đã gửi một bức thư cho Tổng thống Joe Biden hối thúc ông tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga để chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 52 tỷ euro viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính từ ngày 21/1 đến 3/10. Giới phân tích cho rằng, nếu Washington cắt giảm sự hỗ trợ dành cho Ukraine thì điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phòng thủ của Kiev. Ông Christoph Trebesch, trưởng nhóm theo dõi viện trợ dành cho Ukraine cho biết: “Mỹ đang cam kết viện trợ nhiều hơn gần gấp đôi so với viện trợ của tất cả các quốc gia và tổ chức ở EU gộp lại”.
Cam kết của châu Âu đang lung lay
Anh dẫn đầu các nỗ lực của châu Âu trong việc ủng hộ Ukraine và đang đặt mục tiêu đào tạo cho gần 10.000 binh sỹ Ukraine trong năm nay. Vào tháng 7 vừa qua, nhóm đầu tiên trong số các binh sĩ Ukraine thuộc diện được huấn luyện quân sự đặc biệt đã có mặt tại Anh. Nhưng Anh đang trải qua tình trạng bất ổn chính trị sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào tháng 9 và hai thủ tướng liên tiếp từ chức trong vòng chưa đầy 2 tháng. Những sự kiện này đã cản trở khả năng của chính phủ Anh trong việc thiết lập một chính sách đối ngoại thống nhất và tăng cường hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra, Anh với Liên minh châu Âu cũng đang tranh cãi về các vấn đề hậu Brexit, do đó rất khó tập hợp sự ủng hộ của các quốc gia châu Âu nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ.
EU đã gửi hàng tỷ euro viện trợ tài chính cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, nhưng khoản viện trợ dành cho quân sự rất hạn chế. Bên cạnh đó, viện trợ quân sự từ một số quốc gia thành viên như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan đã giảm đáng kể từ cuối tháng 4 mà không có cam kết mới nào được đưa ra.
Cần phải nhắc lại rằng, các khoản viện trợ quân sự lớn của châu Âu dành cho Ukraine chỉ được nối lại sau khi nước này giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ từ tay Nga kể từ đầu tháng 9. Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, Ðại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cảnh báo kho vũ khí của các quốc gia thành viên đang cạn kiệt sau nhiều tháng trang bị cho Ukraine, ý nói EU sẽ không thể hỗ trợ quân sự lâu dài.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu trở nên tồi tệ hơn và các nước thành viên EU ngày càng cảm nhận rõ nét tác động tiêu cực của cuộc xung đột, sự ủng hộ của họ dành cho Ukraine sẽ bị sụt giảm hơn nữa.
Hàng viện trợ quân sự cho Ukraine tại một sân bay ở tỉnh Ontario, Canada hôm 14/4 Ảnh: Reuters
Triển vọng nào cho Ukraine?
Khi sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu sụt giảm, khả năng của Ukraine trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công sẽ hạn chế đáng kể vào năm 2023. Bất chấp lời kêu gọi của Mỹ, chỉ có một số ít đồng minh của phương Tây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada và New Zealand tham gia trừng phạt Nga và viện trợ cho Ukraine.
Sau khi bầu cử giữa kỳ kết thúc, Quốc hội mới được bầu của Mỹ sẽ chưa nhậm chức cho đến tháng 1/2023. Chính quyền Biden có thể tận dụng khoảng thời gian này để củng cố sự ủng hộ đối với Kiev. Các nhà lập pháp Mỹ đã bắt đầu thảo luận về gói viện trợ 50 tỷ USD cho Ukraine, dự kiến hoàn tất vào đầu năm sau. Nhưng vấn đề đặt ra là thời tiết khắc nghiệt trong mùa Đông có thể khiến Ukraine phải tạm dừng các cuộc tấn công và khi mùa Xuân đến nhu cầu vũ khí của Kiev sẽ thay đổi. Lúc đó, gói viện trợ này có thể không còn phù hợp nữa.
Nga hiện đang thay đổi chiến thuật, trong đó có việc tăng cường sử dụng pháo binh, máy bay không người lái và nhiều loại vũ khí khác tấn công các mục tiêu quân sự cũng như cơ sở hạ tâng của Ukraine. Nhóm đầu tiên trong số khoảng 300.000 quân dự bị và tình nguyện viên của Nga dự kiến sẽ sớm được triển khai tới Ukraine, cho phép Nga củng cố lực lượng trên chiến trường.
Nếu cuộc chiến kéo dài sang năm 2023, sự ủng hộ của người dân và các đảng phái chính trị ở Mỹ dành cho Ukraine có thể sẽ giảm mạnh hơn. Washington sẽ khó lòng cung cấp cho Ukraine nhiều gói viện trợ lớn cho đến khi tình hình kinh tế trong nước được cải thiện./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/kha-nang-my-va-chau-au-vien-tro-cho-ukraine-trong-thoi-gian-toi-post981411.vov