Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, cùng với đầu tư nâng cao hạ tầng cơ sở vật chất như: điện, đường và các công trình phúc lợi công cộng, huyện Vĩnh Tường đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân trên chính quê hương mình.
Ngay sau khi huyện Vĩnh Tường thực hiện thành công chương trình dồn ghép ruộng đất đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh hóa. Tùy theo vùng đất, người dân cùng hợp tác quy tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất chuyên canh các loại cây, con theo hướng hàng hóa.
Hợp tác xã Ánh Dương là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên của thị trấn Thổ Tang đã cải tạo vùng đất trũng chuyên nuôi con cá Nheo trong ao. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi cá Nheo trong ao bước đầu đã mang lại thành công, được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đánh giá cao và tạo được việc làm bền vững cho người dân địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có gần 50 HTX, trong đó, có rất nhiều mô hình HTX nông nghiệp đầu tư khoa học, kỹ thuật và giống cây trồng mới sản xuất quy mô tập trung như: Mô hình Bưởi, Dưa lưới, Chuối Già Nam Mỹ, Ốc nhồi. Các mô hình kinh tế tập thể tại các địa phương cũng đã góp phần kích cầu người dân đầu tư nguồn lực, kinh phí nhằm sản xuất nông nghiệp bền vững.
Các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, có những chính sách cởi mở, động viên giúp người dân yên tâm khi đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới nâng cao bề vững.
Lỗ Hiếu