Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch truyền thông về biển và đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
|
Một bãi tắm ở Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: K.V)
|
Theo đó, Kế hoạch truyền thông về biển và đại dương của Bà Rịa-Vũng Tàu gồm 6 nhóm nhiệm vụ như sau: Đánh giá, rà soát, điều chỉnh và ban hành mới các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch đề án, dự án truyền thông liên quan đến biển và đại dương; thực hiện đổi mới, đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về biển và đại dương; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về biển và đại dương; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông; khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức cá nhân; ngăn chặn, xử lý thông tin sai lệch; tăng cường kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động truyền thông.
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, các đoàn thế, tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh trước ngày 10 tháng 12 hàng năm hoặc báo cáo đột xuất (theo yêu cầu) qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo theo quy định.
Liên quan đến ô nhiễm môi trường biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian gần đây, rác đại dương ồ ạt tấn công vào các bãi biển của tỉnh này, tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý môi trường của địa phương.
Hàng năm, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, hoặc cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi thời tiết chuyển gió mùa Tây Nam các bãi biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu phải hứng chịu từ 2 đến 3 đợt rác thải từ đại dương dạt vào. Mỗi đợt nhanh thì 3 đến 4 ngày, lâu hơn kéo dài cả tuần với đủ thứ rác. Đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay đã có 2 đợt rác đại dương tràn vào các bãi biển ở địa phương này. Huyện Côn Đảo và TP Vũng Tàu là hai nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Vũng Tàu cho hay, muốn hạn chế rác thải đại dương tấn công trở lại các bãi biển, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, nói không với việc xả rác xuống biển. Đó là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết ô nhiễm rác thải từ đại dương.
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Bà Rịa-Vũng Tàu là 1 trong 28 tỉnh, thành phố ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của vấn nạn rác đại dương. Một trong những hành động thiết thực, điển hình để giảm rác đại dương là thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, để giảm rác đại dương, trước tiên cần huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, phân loại rác thải nhựa đại dương và phối hợp xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về rác thải nhựa đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Ngoài ra, các địa phương cần có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu cũng như có biện pháp xử lý đối với các hành vi thải bỏ, làm thất lạc ngư cự khai thác thủy sản trên biển không đúng quy định…./.
Theo Bảo Châu (t/h)/dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/tin-tuc/ba-ria-vung-tau-ban-hanh-ke-hoach-truyen-thong-ve-bien-va-dai-duong-623616.html