Cập nhật: 05/11/2022 09:00:00
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây, vấn nạn bạo lực học đường có sự gia tăng về số lượng, diễn biến phức tạp về hình thức. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sức khỏe, tính mạng học sinh mà còn gây xáo trộn kỉ cương trường lớp, gây bức xúc trong dư luận.

Để giảm thiểu tình trạng này, cùng với ngành GD&ĐT rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần quan tâm, nắm bắt kịp thời diễn biến tâm lý của con em mình, cùng với nhà trường giáo dục các em phát triển toàn diện, để mỗi ngày đến trường đối với các em sẽ là một ngày vui.

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Nạn nhân là các em học sinh trong độ tuổi vị thành niên bị các bạn đánh hội đồng. Không chỉ dừng lại ở những hành động bạo lực côn đồ mà một số vụ bạo lực học đường các em học sinh còn bị đe dọa, thậm trí trà đạp về nhân phẩm như lột quần áo, đánh đập rồi quay video tung lên mạng xã hội trước sự chứng kiến của không ít các bạn bè nhưng không ai đứng lên can ngăn và giúp đỡ. Hầu hết các em học sinh bậc THCS, THPT đều đã từng chứng kiến các vụ bạo lực học đường.

Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, các tiết học tập thể, các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật… vừa tạo sân chơi lành mạnh giúp học sinh có cơ hội thể hiện mình, giao lưu chia sẻ. Đồng thời, chủ động nắm bắt tâm tư, diễn biến tâm lý của học sinh để tư vấn, giải đáp những vướng mắc của học sinh nhằm từng bước ngăn chặn bạo lực học đường.

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Tình trạng này ngày càng có xu hướng gia tăng, nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường chủ yếu từ những xích mích nhỏ hoặc áp lực về mặt tâm lý chưa được giải tỏa.

Bạo lực học đường không dừng lại ở chuyện học sinh đánh nhau mà còn liên quan tới rất nhiều vấn đề của học đường như đạo đức, văn hóa, trách nhiệm xã hội. Không chỉ tác động xấu đến tình bạn lứa tuổi học trò, mối quan hệ giữa thầy và trò bạo lực học đường còn gây hại trực tiếp đến sức khoẻ, tinh thần và việc học tập của học sinh, thậm chí cả tính mạng các em nếu sự việc không sớm được giáo dục, ngăn chặn kịp thời./.

Thu Hoài